Công bố Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc

Công bố Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc

Tối 08/01/2020, tại thị trấn An Thới (thành phố Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14, ngày 09/12/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, nằm trên vùng biển Tây Nam bộ cực Nam Tổ quốc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Đại tướng Lê Hồng Anh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tham dự lễ. Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các lực lượng vũ trang; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long; lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, huyện Phú Quốc và khoảng 1.500 người dân Phú Quốc, khách du lịch cùng tham dự buổi lễ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc cho đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc.

Công bố Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (thứ ba, từ phải sang) trao Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc cho lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Theo đó, thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thành phố Phú Quốc giáp thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương (Kiên Giang); vịnh Thái Lan và Campuchia. Thành lập 2 phường thuộc thành phố Phú Quốc là Dương Đông và An Thới. Phường Dương Đông trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 60.415 người của thị trấn Dương Đông. Phường An Thới trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.610 người của xã Hòn Thơm và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 37.485 người của thị trấn An Thới.

Sau khi thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, thành phố Phú Quốc có 09 đơn vị hành chính cấp xã là 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu. Tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 huyện và 03 thành phố; 144 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 116 xã, 18 phường và 10 thị trấn.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nêu: Phú Quốc là huyện đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, được mệnh danh là "vùng đất trù phú" với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội mà không phải địa phương nào cũng có. Phú Quốc đã có sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thật sự vươn lên, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2019. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ trên 19%/năm, cao gấp 2 lần của tỉnh; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 141.652 tỷ đồng, vượt 57% chỉ tiêu Nghị quyết; thu ngân sách tăng bình quân 19%/năm, chiếm hơn 40% tổng thu của tỉnh. Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng của Chính phủ, lượng khách bình quân mỗi năm tăng 28%, trong đó khách quốc tế tăng hơn 45%, nhiều thương hiệu du lịch lớn trên thế giới đều đã góp mặt tại Phú Quốc. Đến nay, Phú Quốc đã thu hút 372 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 16,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao so với tỉnh và cả nước.

Việc Phú Quốc trở thành thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang là sự kiện lịch sử trọng đại, là thành quả của cả quá trình xây dựng, vun đắp bền bỉ , kiên cường qua nhiều thế hệ, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Quốc. Đây sẽ là cơ sở quan trọng, tạo sức bật mạnh hơn nữa để Phú Quốc phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế, tạo thế và lực trong đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo vùng Tây Nam của Tổ quốc.

Công bố Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc ảnh 2Màn bắn pháo hoa chào mừng Phú Quốc trở thành thành phố. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Phát biểu chia vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Phú Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Việc Phú Quốc trở thành thành phố có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Bởi cũng tại đây cách nay hơn thế kỷ, vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã cùng với nhân dân anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp bảo vệ, giữ gìn non sông đất nước ta. Phú Quốc cũng là nơi có trại giam từng giam giữ hơn 32.000 cán bộ chiến sĩ cách mạng. Với ý nghĩa lịch sử đó, cùng với tiềm năng lợi thế thiên nhiên ưu đãi và con người cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, Đảng và Nhà nước kỳ vọng, Phú Quốc - đảo đầu tiên của cả nước được thành lập thành phố - sẽ mở ra bước ngoặc mới, phấn đấu trở thành viên ngọc quý thông minh và thịnh vượng; Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế độc đáo và chất lượng và là thành phố kiểu mẫu về phát triển kinh tế thân thiện với môi trường; Trung tâm kinh tế trọng điểm của phía Nam và cả nước.

Để đạt mục tiêu đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ gợi ý: Thời gian qua, Phú Quốc có bước chuyển biến tích cực từ huyện đảo cách trở, nay đã hòa lưới điện quốc gia, có sân bay quốc tế kết nối với mọi miền đất nước và quốc tế, nhiều tập đoàn lớn đã tìm đến đầu tư xây dựng nhiều công trình quy mô tầm cỡ quốc tế, phát triển hình hài của đô thị hiện đại, thông minh, năng động. Cùng với bước phát triển đó, quá trình đô thị hóa nhanh trên địa bàn trong thời gian qua đã đặt ra nhu cầu mới cần thiết về bộ máy chính quyền đô thị có trình độ phát triển cao, hiện đại đủ năng lực thực thi có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn. Vì thế, việc Phú Quốc trở thành thành phố không chỉ là xu thế tất yếu mà còn góp phần rất lớn vào việc ổn định, phát triển đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng phía Nam. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố Phú Quốc.

Công bố Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc ảnh 3Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Để nhanh chóng thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị thành phố Phú Quốc khẩn trương sắp xếp ổn định tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị theo đề án đã được phê duyệt đi vào hoạt động, vận hành thông suốt. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo ổn định đời sống của nhân dân địa phương, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thành phố Phú Quốc tích cực phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh đề xuất với Trung ương về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Phú Quốc phát triển trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Thành phố Phú Quốc tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch chung xây dựng Phú Quốc đi đôi với quản lý tốt quy hoạch. Tăng cường hơn nữa quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và các giá trị văn hóa truyền thống...

Phú Quốc quan tâm nhiều hơn nữa phát triển văn hóa xã hội, chăm lo tốt đời sống nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa, xã hội Phú Quốc lành mạnh, thân thiện, văn minh, an toàn và giàu bản sắc truyền thống. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được thụ hưởng thực sự thành quả từ sự phát triển của thành phố Phú Quốc mang lại.

Là địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh, thành phố Phú Quốc phải đặc biệt coi trọng công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tăng cường công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, an toàn cho khách du lịch, cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng an ninh và giữa quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Phân bổ hơn 4.557 tỷ đồng để xoá nhà tạm, nhà dột nát

Phân bổ hơn 4.557 tỷ đồng để xoá nhà tạm, nhà dột nát

Thông tin ngày 30/3 từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho hay, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép sử dụng từ nguồn tiết kiệm 5% kinh phí chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phân bổ 4.557,773 tỷ đồng để các địa phương triển khai chương trình này trên địa bàn. Đến nay, các địa phương đã nhận được 2.836,8 tỷ đồng từ các bộ, ngành, địa phương, ngân hàng, tập đoàn, đạt gần 82% theo phương án phân công của Ban Chỉ đạo trung ương.

Bộ Y tế yêu cầu siết chặt kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Bộ Y tế yêu cầu siết chặt kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 29/3, Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc gửi Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ về việc tăng cường công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng ủng hộ Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Ninh Thuận phải quyết tâm hoàn thành sớm mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ninh Thuận phải cố gắng nỗ lực để là 1 trong 5 tỉnh, thành phố hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân khó khăn về nhà ở trong năm 2025. Đó là mong muốn, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng trong chuyến công tác tại Ninh Thuận, Lễ phát động chiến dịch 90 ngày đêm “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do tỉnh tổ chức sáng 29/3.

Đoàn đại biểu Quốc thảo luận ở tổ về cải cách tiền lương. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 4/2025: Quy định mới về tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước

Trong tháng 4/2025, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Đóng góp đề xuất dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc

Đóng góp đề xuất dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc

Ngày 27/3, Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội phối hợp với Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố Huế tổ chức khai mạc Hội thảo "Chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực trạng và những đề xuất cho dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc".

Khuyến khích đặt tên xã, phường theo số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa

Khuyến khích đặt tên xã, phường theo số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa

Để thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; trên cơ sở kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.

Các đối tượng được hưởng ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng

Các đối tượng được hưởng ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng

Theo hướng dẫn một số nội dung tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trong thời hạn đăng ký dự thi tốt nghiệp (từ 21/4 đến 17 giờ ngày 28/4), thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng phải khai báo trên phần mềm đầy đủ, đúng các thông tin kèm minh chứng để hưởng ưu tiên trong xét tuyển.

Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành Kế hoạch về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành Kế hoạch về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Ngày 20/3/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã ban hành Công văn số 43-CV/BCĐ (Công văn số 43-CV/BCĐ) về Kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế" (Chương trình).

Triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi khó khăn tỉnh Cao Bằng

Triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi khó khăn tỉnh Cao Bằng

Giảm nghèo bền vững được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng. Các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân sản xuất, tạo sinh kế để tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.