Công bố kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Danh Lam- TTXVN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Danh Lam- TTXVN

Chiều 3/7, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị công bố kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng tình hình kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị.

Công bố kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Danh Lam- TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết, điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số nhằm cung cấp toàn diện các thông tin về đặc điểm kinh tế - xã hội; dân số và các đặc trưng nhân khẩu học; điều kiện nhà ở, sinh hoạt và đời sống văn hóa tinh thần; đồng thời hình thành hệ thống thông tin, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

“Đây là cuộc điều tra dân tộc thiểu số lần thứ 2 được thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, khác với cuộc điều tra năm 2015, cuộc điều tra năm 2019 đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào điều tra, góp phần nâng cao chất lượng, rút ngắn quá trình xử lý thông tin”, ông Lê Sơn Hải cho biết.

Theo Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, cả nước hiện có 5.468 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 49% tổng số xã toàn quốc. Khoảng 87% xã dân tộc thiểu số phân bố ở khu vực nông thôn, thuộc phạm vi quản lý của 503/713 huyện, thị xã; thuộc 54/63 tỉnh, thành phố. Năm 2019, khoảng 98,6% số thôn thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận điện, chủ yếu sử dụng điện lưới quốc gia. Đặc biệt, khoảng cách trung bình từ trung tâm xã đến trung tâm huyện khoảng 16,7km; tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đạt 95,2%; các xã có trạm y tế chiếm 99,5%; 35,5% hộ nghèo và cận nghèo… Hiện cả nước có gần 21.600 trường học; 26.500 điểm trường vùng dân tộc thiểu số với 91% trường học kiên cố; tăng hơn 3.800 trường và giảm 2.300 điểm trường so với năm 2015.

Công bố kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 ảnh 2Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu công bố kết quả điều tra, thu thập. Ảnh: Danh Lam- TTXVN

Về dân số và các đặc trưng nhân khẩu học, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, tính đến ngày 1/4/2019, dân số 53 dân tộc thiểu số khoảng 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước; quy mô tăng gần 1,9 triệu người trong 10 năm (2009-2019) với tỷ lệ tăng dân số bình quân 1,42%. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu đạt 22,7 tuổi, thấp hơn mức trung bình của toàn bộ dân số (25,2 tuổi) và tăng 1,7 tuổi so với năm 2015. Với tổng tỷ suất sinh TFR của người dân tộc thiểu số 2,35 con/phụ nữ, giảm 0,03 con/phụ nữ so với năm 2015, bà Nguyễn Thị Hương nhận định, tỷ lệ sinh con của phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn khá cao so với mức bình quân chung của cả nước (2,09 con/phụ nữ) và cao hơn so với mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ).

Tuổi thọ trung bình của 53 dân tộc thiểu số là 70,7 tuổi. Với 100,5% học tiểu học (bao gồm học sinh học chung và học lại tiểu học), 85,8% đi học cấp Trung học cơ sở và 50,7% cấp Trung học Phổ thông, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt so với năm 2015, đặc biệt ở cấp Trung học phổ thông. Hiện có 8,03 triệu người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 83%. 

“Tỷ lệ lực lượng lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên chỉ khoảng 10%  - Đây là hạn chế của lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động tạo thu nhập”, bà Nguyễn Thị Hương nêu rõ.

Gần như toàn bộ các hộ dân tộc thiểu số có nhà ở, trong đó nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 79,2%. Đặc biệt, diện tích nhà ở bình quân đầu người gần 17m2/người; 96,7% hộ sử dụng điện lưới thắp sáng; khoảng 92,5% hộ sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng; 61,3% hộ tiếp cận internet… Đặc biệt, với 19,7% hộ dân tộc thiểu số vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019, bà Nguyễn Thị Hương nêu rõ, vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng giúp các hộ dân tộc thiểu số có nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, cải thiện chất lượng cuộc sống, thoát nghèo.

Công bố kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 ảnh 3Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Danh Lam- TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nhiệm vụ xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia có tính đặc thù liên quan đến thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên cơ sở nguyên tắc nhất quán: vấn đề dân tộc là vấn đề có tính chiến lược; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ông Đỗ Văn Chiến khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Nhà nước với nguồn kinh phí lớn được thể hiện qua 10 dự án; nhằm tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Biểu dương kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ, kết quả điều tra, thực trạng dân tộc thiểu số là nguồn tin chính thức, tin cậy để các cơ quan của Đảng, của Quốc hội và bộ, ngành tham mưu, xây dựng hàng loạt các chính sách góp phần phát triển đất nước nói chung, phát triển vùng dân tộc thiểu số nói riêng; đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin chính thống, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi Việt Nam.

Với tiêu chí “không để ai bỏ lại phía sau”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, kết quả của cuộc điều tra, thu thập thông tin góp phần hỗ trợ các cơ quan trung ương và địa phương vùng dân tộc thiểu số đánh giá chính xác kết quả thực hiện chính sách dân tộc đến năm 2020; xây dựng định hướng chiến lược phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030; đưa ra giải pháp phát triển xã hội, đặc biệt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

Diệp Trương - Việt Đức
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm