Cơ hội phát triển toàn diện vùng miền núi Quảng Bình (Bài cuối)

Bài 3 (Bài cuối): Tập trung khơi thông nguồn vốn

Mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình giảm 50%. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đang huy động cả hệ thống chính trị thực hiện Chương trình 1719 đạt hiệu quả cao nhất; cùng với thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

vna_potal_khoi_sac_noi_vung_dong_bao_dan_toc_thieu_so_va_mien_nui_quang_binh_7460581.jpg
Từ nguồn vốn Chương trình 1719, đường giao thông liên xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) được nâng cấp, phục vụ cho việc đi lại của người dân được thuận lợi. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN

Không vì áp lực giải ngân

Ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết, Chương trình 1719 là chương trình lớn, để chủ động, đảm bảo cơ sở thực hiện hiệu quả trên địa bàn, UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 21 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 16 quyết định, 9 kế hoạch và nhiều văn bản hướng dẫn triển khai.

Qua đó có thể thấy được sự quyết liệt và quan tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Bình đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vướng mắc và thực tế tỷ lệ giải ngân của tỉnh vẫn đang chậm, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp chỉ mới giải ngân khoảng 30% trên tổng số 420 tỷ đồng đã được phân bổ trong 3 năm.

Theo ông Võ Ngọc Thanh, chủ trương của tỉnh Quảng Bình là phải giải ngân nguồn vốn Chương trình 1719 ở mức cao nhất, song không vì áp lực giải ngân, dẫn đến trùng với các chương trình hỗ trợ khác, quan trọng nguồn vốn giải ngân hiệu quả cao, đúng đối tượng, địa bàn. Điều đó, không đồng nghĩa với việc ngại khó không triển khai mà nhận thấy không khả thi, hiệu quả không cao thì không triển khai. Thay vào đó lựa chọn, phân bổ, điều chuyển nguồn vốn để thực hiện các nội dung khác thiết thực, phù hợp.

Đơn cử tại tỉnh Quảng Bình, nội dung hỗ trợ Đại học và sau Đại học hiện chưa được giải ngân. Nguyên nhân theo quy định của các văn bản thực hiện Chương trình 1719, các đối tượng thuộc diện hỗ trợ đều đang được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trước đó như, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hay Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, nếu tiếp tục “nhồi tiền” để đạt mục tiêu giải ngân trong Chương trình 1719 sẽ dẫn đến trùng lặp hỗ trợ, trái quy định và không đạt hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, trong điều kiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính, nhu cầu đào tạo của địa phương rất hạn chế nên phương thức thực hiện ký kết hợp đồng giữa UBND tỉnh với các cơ sở giáo dục đại học là không khả thi.

“Hiện tỉnh Quảng Bình chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững theo thứ tự ưu tiên theo địa bàn đầu tư, đối tượng thụ hưởng, trên nhu cầu giải quyết những vấn đề bức thiết nhất về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các hoạt động đáp ứng nhu cầu sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng giải quyết có hiệu quả đất ở, nhà ở, đất sản xuất để nâng cao đời sống cho nhân dân; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Song song với việc gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”, ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

vna_potal_khoi_sac_noi_vung_dong_bao_dan_toc_thieu_so_va_mien_nui_quang_binh_7460604.jpg
Người dân xã miền núi Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) trong ngôi nhà mới từ nguồn hỗ trợ Chương trình 1719. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN

Nhằm giải quyết các khó khăn hiện có, Quảng Bình kiến nghị cơ quan Trung ương xem xét nâng định mức hỗ trợ của một số dự án. Đơn cử, định mức xây dựng 1 km đường với kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng ở khu vực miền núi là khó triển khai. Hay nguồn hỗ trợ xây dựng nhà ở Trung ương là 40 triệu đồng và tỉnh đối ứng 4 triệu đồng để xây dựng nhà ở đảm bảo “3 cứng” vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng khó thực hiện.

Cần linh hoạt trong giải ngân nguồn vốn

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình 1719, tỉnh Quảng Bình đã đạt được một số kết quả tích cực, đáng chú ý tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm 8,05%/năm (chỉ tiêu kế hoạch giảm trên 4,5%/năm). Tuy nhiên, từ thực tế những khó khăn trong quá trình triển khai cho thấy, để đạt kết quả cao cần thiết phải linh hoạt trong giải ngân nguồn vốn.

Đáp ứng nhu cầu này, từ tháng 1/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719. Đây được xem là những điều chỉnh cần thiết từ Quốc hội nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình 1719 trong thời gian tới.

Ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết, Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội quy định cụ thể nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Đáng chú ý, Quốc hội cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ hoặc phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm của từng chương trình chi tiết đến dự án thành phần. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp huyện sẽ linh hoạt hơn trong điều chỉnh để giải ngân các nguồn vốn từ Chương trình 1719.

vna_potal_khoi_sac_noi_vung_dong_bao_dan_toc_thieu_so_va_mien_nui_quang_binh_7460598.jpg
Thi công hạ tầng Khu tái định cư bản Ban (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) từ nguồn vốn Chương trình 1719. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN

Ngoài ra, Quốc hội cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển sang năm 2024. Như vậy, với các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ, không đủ điều kiện giải ngân kinh phí theo quy định hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp được điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước cho các dự án thành phần khác trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phải bảo đảm không vượt quá tổng dự toán ngân sách Nhà nước và không thay đổi cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên của từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo ông Võ Ngọc Thanh, trên cơ sở Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết liệt chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, trong đó có Ban Dân tộc xem xét lại nguồn đầu tư; chỉ đạo Sở Tài Chính và các sở ngành liên quan, các địa phương xem xét vốn sự nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp giữa tháng 7/2024 tới sẽ xem xét thông qua Nghị quyết giao cho Hội đồng nhân dân cấp huyện, trên cơ sở nguồn vốn được giao tùy tình hình thực tế địa phương để triển khai phân bổ, giải ngân nguồn vốn tại các dự án, tiểu dự án.

Tại Quảng Bình, đặc điểm vùng miền, điều kiện tự nhiên ở các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy là khác nhau, nhu cầu thực tế khác nhau. Với việc phân cấp giao quyền tự quyết cho Hội đồng nhân dân cấp huyện sẽ tạo sự chủ động và linh hoạt trong giải ngân nguồn vốn, nỗ lực giải ngân 100% vốn Chương trình 1719 giai đoạn 1 đạt hiệu quả cao nhất.

Dự kiến, sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình thông qua Nghị quyết phân cấp đến Hội đồng nhân dân cấp huyện chủ động điều chỉnh vốn, danh mục các dự án, tiểu dự án trong Chương trình 1719, Ban Dân tộc tỉnh và các huyện miền núi khẩn trương rà soát chi tiết, cụ thể đối tượng không còn hỗ trợ hoặc không đủ điều kiện giải ngân kinh phí theo quy định hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để có phương án điều chỉnh kịp thời, nhanh nhất. (Hết)

Tá Chuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm