Bài 2: Còn nhiều khó khăn
Tại Quảng Bình, Chương trình 1719 đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần trong Chương trình 1719 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự thông suốt, còn một số bất cập, vướng mắc, từ đó, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn nhiều dự án còn chậm, nhiều dự án khó triển khai.
Không ít vướng mắc
Thời gian đầu thực hiện Chương trình 1719, các văn bản hướng dẫn từ Trung ương ban hành muộn, trong khi chương trình có nhiều nội dung (10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư), đầu mối chủ trì, quản lý, tổ chức triển khai, từ đó, các địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Hiện có 112 văn bản hướng dẫn của Trung ương và bộ, ngành; mới có thêm 3 văn bản sửa đổi thực hiện Chương trình. Lãnh đạo các địa phương tại tỉnh Quảng Bình thừa nhận, một số văn bản thiếu tính kế thừa, một số nội dung chưa quy định rõ, hướng dẫn chưa phù hợp, khó thực hiện. Văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành về địa bàn thực hiện chính sách có điểm chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tế.
Đơn cử, Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” nguồn Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng và tỉnh đối ứng thêm 4 triệu đồng là quá thấp, rất khó để xây dựng một ngôi nhà bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung, tường cứng và mái cứng) bởi đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo nên không có khả năng huy động nguồn vốn đối ứng. Bên cạnh đó là vùng miền núi, giao thông đi lại rất khó khăn, các chi phí nhân công, vật liệu xây dựng đều cao hơn vùng đồng bằng khoảng 1,5 lần.
Theo ông Cao Ngọc Điền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa, trên địa bàn huyện, theo khảo sát, có 428 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu xây dựng nhà ở. Toàn huyện đã hỗ trợ kinh phí làm nhà ở cho 180 hộ. Song ngoài Trung ương hỗ trợ 40 triệu, nguồn hỗ trợ từ tỉnh và huyện đều hạn chế, hiện nhiều địa phương đang loay hoay tìm nguồn vốn đối ứng xây dựng nhà ở cho người dân. Giải quyết vấn đề này, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tạo điều kiện cho 60 hộ vay hỗ trợ nhà ở, với kinh phí 2,76 tỷ đồng. Tuy nhiên, số hộ còn lại khả năng vay vốn lãi suất thấp làm nhà là rất ít.
Cũng liên quan đến Dự án 1, tại nhiều địa phương thuộc các huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình, quỹ đất ở còn lại ở các xã miền núi rất ít. Người dân muốn hỗ trợ đất ở phải chủ động tìm kiếm đất đai, tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngoài ra, một số nội dung chưa được hướng dẫn chi tiết như, hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình thực hiện di dời đến nơi ở mới, từ đó, gây khó khăn cho cơ sở khi triển khai thực hiện.
Ông Đinh Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa) cho biết, hiện địa phương có 5 hộ vẫn chưa thể thanh toán tiền hỗ trợ chuyển nhà do vướng thủ tục pháp lý. Việc di chuyển nhà với đồng bào dân tộc thiểu số cũng gặp khó khăn, bởi quy định chỉ hỗ trợ tiền vận chuyển tính theo km, còn tiền tháo dỡ, bốc xếp, dựng lên là không có hỗ trợ. Trong khi chi phí này hiện tại các xã miền núi đều phải thuê.
Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) Đinh Cu cho biết, vấn đề hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương gặp không ít khó khăn. Địa phương không có quỹ đất để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất. Bởi các trường hợp lập gia đình, tách hộ di chuyển đến sinh sống tại các bản khác đang thiếu đất sản xuất định mức theo quy định (đối với đất trồng cây hàng năm khác 0,65ha/hộ; đất rừng sản xuất 2,5ha/hộ). Tổng nguồn vốn được giao trong năm 2022 và 2023 là 643 triệu đồng thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, song vẫn chưa giải ngân được.
Tỷ lệ giải ngân vốn chậm
Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Bình được cấp khoảng 1.500 tỷ đồng triển khai Chương trình 1719 giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến cuối năm 2023, tỉnh giải ngân được 45% trên tổng số 1.100 tỷ nguồn vốn Trung ương đã phân bổ. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công giải ngân chiếm khoảng 70%, vốn sự nghiệp chiếm khoảng 30% trên tổng số vốn đã giải ngân. Thực tế, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Quảng Bình đang chậm, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp.
Riêng tại huyện Minh Hóa, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình 1719 năm 2022 và 2023 là trên 237,4 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2023, huyện chỉ mới giải ngân được trên 110 tỷ đồng, trong đó, vốn sự nghiệp chỉ mới giải ngân được 15,08%. Nguyên nhân do văn bản hướng dẫn muộn nên nhiều Dự án, Tiểu dự án giải ngân chậm hoặc chưa thể giải ngân.
Trong đó có Dự án 3: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” chỉ mới giải ngân trên 6,4 tỷ đồng (đạt 11,6%). Nguyên nhân do cơ chế bắt buộc rừng này phải giao cho người dân, bà con tham gia nhận khoán bảo vệ, lúc đó, mới có tiền chi trả tiền hỗ trợ. Như vậy, các xã và Kiểm lâm của huyện Minh Hóa phải rà soát, giao lại cho từng cộng đồng, hộ dân, lúc đó mới triển khai chi trả được.
Ông Cao Ngọc Điền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thừa nhận, một số Dự án, Tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình có tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp, nhất là nguồn vốn sự nghiệp ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và tiến độ thực hiện Chương trình 1719. Trong đó, có một số nội dung, tiểu dự án chưa triển khai được như, mô hình Nâng cao chất lượng dân số tại thôn, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 9.
Nguyên nhân việc giải ngân chậm là do tại một số xã miền núi của huyện chưa kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn 2021-2025 và từng năm 2022, 2023 cũng như chưa xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, làm cơ sở triển khai, quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình trên địa bàn.
Hay tại huyện Lệ Thủy, tỷ lệ giải ngân vốn của Chương trình 1719 đạt khá thấp so với kế hoạch. Trong tổng số vốn cả Trung ương và tỉnh phân bổ là trên 33,4 tỷ đồng, chỉ mới giải ngân được gần 12,4 tỷ đồng. Huyện gặp nhiều khó khăn như: Đất sản xuất, đất ở hạn chế không có để cấp; dân cư phân bố rải rác, điều kiện địa hình, đất đai hạn chế, không đáp ứng việc phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp liên kết theo chuỗi giá trị…
Đại diện Phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy lý giải, nguồn vốn thực hiện Chương trình 1719 năm 2022 bố trí chậm. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư là người dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống trên địa bàn trình độ hạn chế trong khi nhiều hồ sơ, thủ tục triển khai dự án còn phức tạp nên quá trình hướng dẫn, thực hiện gặp không ít khó khăn.
“Ngoài ra, đây là chương trình mới, lần đầu được triển khai trên địa bàn huyện Lệ Thủy trong khi các phòng ban, đơn vị thực hiện Chương trình đa phần không có cán bộ có nghiệp vụ chuyên môn về thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai cũng không được tham dự các lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện dự án nên công tác điều hành, hướng dẫn và thực hiện không tránh khỏi những lúng túng, thiếu sót nhất định”, đại diện Phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy cho biết thêm. (Xem tiếp Bài 3: Tập trung khơi thông nguồn vốn)
Tá Chuyên