Cô giáo Triệu Thị Nhập soạn giáo án tại nhà. Ảnh: K GỬIH –TTXVN |
Tốt nghiệp cử nhân Giáo dục chính trị, Trường Đại học Tây Nguyên năm 2008, cô giáo Triệu Thị Nhập xin về công tác tại Trường Trung học Phổ thông thị xã Phước Long. Lập gia đình năm 2012, cô Nhập xin chuyển công tác về Trường Trung học Cơ sở Đắk Ơ. Thời gian đầu, dù gặp không ít khó khăn khi công tác tại vùng biên giới, với tình yêu nghề, cô Nhập luôn phấn đấu, rèn luyện, tích cực học hỏi kinh nghiệm để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Để giảng dạy tốt bộ môn Giáo dục công dân - môn học có nhiều ảnh hưởng rất lớn đến tác phong, lối sống và nhân cách của học sinh, cô Nhập đã tìm tòi những phương pháp dạy sinh động, linh hoạt trong từng bài giảng để học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức của bộ môn này. Cô Triệu Thị Nhập chia sẻ: “Lúc đầu nhận công tác ở địa bàn biên giới, học sinh dân tộc thiểu số đông, tôi gặp không ít khó khăn. Nhận thức được vấn đề tâm sinh lý của học sinh, tôi đã áp dụng một số biện pháp đặc trưng của môn như phương pháp đàm thoại, trực quan, thuyết trình nêu vấn đề và sử dụng công nghệ hiện đại của công nghệ thông tin trong giáo dục. Tôi sử dụng những phương pháp đó để truyền tải kiến thức đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, súc tích nhất cho học sinh”.
Cô giáo Triệu Thị Nhập trong một giờ lên lớp. Ảnh: K GỬIH –TTXVN |
Gần 10 năm gắn bó với nghề, cô Nhập chia sẻ, nghề giáo thật sự là một vinh dự, nhưng cũng thật nhiều trách nhiệm. Vì vậy, cô luôn trăn trở để tìm ra những cách thức truyền đạt bài giảng một cách hiệu quả và phù hợp, từ đó phát huy được tính tích cực, chủ động của từng em. Từ những sáng kiến, kinh nghiệm trong giảng dạy và bồi dưỡng, cô có nhiều em học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh. Những phương pháp dạy của cô rất được học sinh thích thú. Em Trần Thị Thảo, học sinh lớp 9 Trường Trung học Cơ sở Đắk Ơ cho biết: "Em đã được cô Nhập từ năm lớp 6 đến nay. Cách dạy của cô rất dễ hiểu, tận tình với học sinh. Những bài nào khó hiểu, cô giảng đến khi học sinh hiểu bài mới thôi. Trong quá trình học, cô đưa ra vấn đề sát với thực tế giúp em và các bạn dễ hiểu bài hơn”. Không chỉ giỏi trong chuyên môn, cô Nhập còn là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Trường Trung học Cơ sở Đắk Ơ nằm ở vùng biên giới, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc vận động học sinh đến trường rất vất vả, các thầy, cô phải đi đường đất hơn 10 km mới đến nơi. Với quyết tâm không để học sinh bỏ học giữa chừng, cô Nhập và các thầy cô đã không ngại "nắng bụi, mưa lầy" đi vận động học sinh đến trường. “Chúng tôi kết hợp với Ban Giám hiệu Nhà trường, tổ chức Đoàn, Đội và chính quyền xã đã đi rất nhiều lần để vận động các em học sinh không bỏ học. Dù lội đường đất vất vả đến đâu, thấy con em đồng bào dân tộc thiểu số bám trường, bám lớp, các thầy cô rất vui”, cô Nhập chia sẻ.
Cô giáo Triệu Thị Nhập trong một giờ lên lớp. Ảnh: K GỬIH –TTXVN
|
Trường Trung học cơ sở Đắk Ơ là ngôi trường ở vùng sâu, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số S‘tiêng sinh sống. Hằng năm, nhiều học sinh phải bỏ học do điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của tập thể 87 cán bộ, công nhân viên, chất lượng giáo dục của trường đã không ngừng được nâng lên. Điển hình năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98%, học sinh tốt nghiệp đạt gần 99%, số học sinh bỏ học giảm so với năm học trước. Thành tích này có sự đóng góp của cô Triệu Thị Nhập. Nhận xét về cô giáo Triệu Thị Nhập, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Đắk Ơ Mai Văn Khánh cho biết: Cô Nhập là người luôn gương mẫu để cho học sinh làm theo. Cô luôn luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu sách vở, học hỏi từ đồng nghiệp để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Cô giáo Triệu Thị Nhập dạy học cho con tại nhà. Ảnh: K GỬIH -TTXVN |
Với những nỗ lực vượt bậc, nhiều năm liền, cô giáo Nhập đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện. Năm học 2017-2018, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giáo viên giỏi cấp tỉnh. Cô còn được ngành Giáo dục và Đào tạo và chính quyền các cấp tặng Bằng khen, Giấy khen. Dù phía trước còn không ít khó khăn, thử thách, với cô Nhập, phần thưởng lớn nhất chính là giúp các thế hệ học trò vững bước trong tương lai.
K GỬIH