Cô giáo Hồ Thị Thùy Vân gần 20 năm bám làng dạy học ở vùng cao Tu Mơ Rông

Cô Hồ Thị Thùy Vân (ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp vận động đưa học sinh đến lớp. Ảnh: baotintuc.vn
Cô Hồ Thị Thùy Vân (ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp vận động đưa học sinh đến lớp. Ảnh: baotintuc.vn

Tu Mơ Rông là một huyện nghèo của tỉnh Kon Tum, với điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, những thầy, cô giáo nơi đây vẫn ngày đêm nỗ lực, tạo mọi điều kiện tốt nhất để học sinh được đến trường, nâng cao tri thức và hướng tới thoát nghèo. Ở Tu Mơ Rông, cô giáo Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà đã có ý tưởng góp tiền, nấu cơm cho học sinh, đã tiếp thêm động lực để các em yên tâm đến trường, rèn luyện con chữ.

Cô giáo Hồ Thị Thùy Vân gần 20 năm bám làng dạy học ở vùng cao Tu Mơ Rông ảnh 1Cô Hồ Thị Thùy Vân (ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp vận động đưa học sinh đến lớp. Ảnh: baotintuc.vn

Hành trình gần 20 năm bám trường gieo mầm ước mơ

Khi vừa tốt nghiệp trường Trung học Sư phạm Quảng Nam vào năm 2001, cô Hồ Thị Thùy Vân được ngành Giáo dục phân công đến huyện Tu Mơ Rông dạy học. Cô Hồ Thị Thùy Vân chia sẻ: “Tôi khi ấy rất vui, vì đã hoàn thành ước mơ được trở thành một giáo viên, được truyền đạt những kiến thức cho các học sinh. Tuy nhiên, việc dạy học cho các em tại vùng miền núi cao không phải là một điều dễ dàng đối với bất kỳ ai, chứ không riêng một người giáo viên mới như tôi”.

Thời điểm đấy, để đến được điểm trường, giáo viên phải băng qua một con đường đầy sình lầy. Những lúc trời mưa, con đường trở nên trơn trượt. Phải mất hàng giờ đẩy xe, đi bộ, cô Vân mới có thể đến được điểm trường. Ngoài ra, cô phải mang, vác thực phẩm và nước uống để bám trụ tại điểm trường, khiến việc di chuyển lại càng thêm khó khăn.

Việc vận động học sinh đến trường cũng là một thách thức không nhỏ đối với tất cả các thầy, cô giáo ở vùng cao của tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, vào đầu năm học hoặc sau Tết Nguyên đán, việc học sinh đột ngột bỏ lớp, không đến trường vẫn xảy ra thường xuyên. Mỗi lần như vậy, các thầy, cô trong trường lại phải khăn gói băng rừng, lội suối để tìm đến từng nhà, vận động các em quay trở lại lớp học.

Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với cô giáo trẻ Hồ Thị Thùy Vân chính là khác biệt về mặt ngôn ngữ. Các học sinh nơi đây đều là đồng bào dân tộc Xê Đăng nên việc giao tiếp giữa cô và các em gần như đi vào “ngõ cụt”. Không nản lòng, cô Hồ Thị Thùy Vân quyết tâm vào làng, học tiếng Xê Đăng để có thể gần gũi và truyền đạt kiến thức dễ dàng hơn cho các em. Mỗi lần đứng lớp, cô không vội vàng dạy ngay mà dành nhiều thời gian để trò chuyện và làm quen với từng em. Từ đó, cô đã hiểu hơn về hoàn cảnh, gia đình và phong tục tập quán của người dân địa phương. Lâu ngày thành quen, hình ảnh cô Vân đứng lớp dạy học trở nên thân thuộc hơn trong mắt những đứa trẻ nơi đây.

Những bữa ăn ấm áp tình thương

Trong thời gian giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học Cơ sở xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), cô Hồ Thị Thùy Vân nhận thấy đời sống vật chất của học sinh nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Phụ huynh các em chỉ tập trung vào làm nương rẫy, không quan tâm chăm sóc cho con mình.

Trước hình ảnh học sinh của mình gầy gò, không đủ ăn, đủ mặc, cô giáo Thùy Vân đưa ra ý tưởng là các giáo viên dành dụm một phần đồng lương ít ỏi để mua rau, thịt, nấu cơm cải thiện bữa ăn cho các em. Đến nay, khi đã chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà, cô giáo Hồ Thị Thùy Vân vẫn tiếp tục xây dựng chương trình bếp ăn tình thương cho các em nơi đây.

Thầy giáo A Knốt (56 tuổi, làng Kon Pla, xã Đăk Hà) chia sẻ: “Là một người con của huyện Tu Mơ Rông, tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy học sinh là đồng bào mình không có cơm để ăn, không có đồ để mặc. Do đó, khi cô Thùy Vân đưa ra ý tưởng xây dựng bếp ăn tình thương cho các em, tôi ngay lập tức tán thành. Tất cả giáo viên trong trường đều đồng ý góp mỗi người 100.000 đồng/tháng để xây dựng nên một bếp ăn ấm áp tình người".

Số tiền các giáo viên góp được tuy không nhiều, nhưng bữa ăn được chuẩn bị luôn đầy đủ chất dinh dưỡng và đem lại cảm giác gần gũi, ấm cúng, gắn chặt tình cô trò. Các phụ huynh dần thấy được tấm lòng của các thầy, cô nơi đây nên đã góp nhặt những nhánh củi, bó rau để cùng cải thiện bữa ăn cho các em.

Bà Y Dăm (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) chia sẻ, khi các thầy, cô phát động chương trình bếp ăn tình thương cho học sinh, gia đình bà đã góp nhặt những bó củi khô, có lúc góp những bó rau để đóng góp cho chương trình. Bà cũng tham gia trực tiếp vào việc nấu những bữa ăn cho con em mình, bày tỏ lòng biết ơn và hỗ trợ các thầy, cô trong việc giúp các em có được bữa ăn đầy đủ, ấm cúng.

Ông Dương Thái Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết, chương trình bếp ăn tình thương là một mô hình mang đậm tính nhân văn và có sức lan tỏa lớn. Thời gian tới, chính quyền xã Đăk Hà sẽ tạo mọi điều kiện và phân bổ kinh phí từ nguồn huy động xã hội hóa để cô Hồ Thị Thùy Vân tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình bếp ăn tình thương đến các điểm trường khó khăn. Từ đó, giúp đỡ cho các học sinh được đến trường, từng bước xóa nạn mù chữ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cô Hồ Thị Thùy Vân chia sẻ, ngoài việc tổ chức chương trình bếp ăn tình thương, Trường Tiểu học xã Đăk Hà đang nghiên cứu những mô hình thực tế như: Tổ chức những buổi ngoại khóa, Ngày hội bánh chưng xanh, Ngày hội chợ quê, Ngày hội vì môi trường… Đây là những hoạt động thiết thực nhằm giúp các em đồng bào dân tộc vùng cao có thêm trải nghiệm, hiểu thêm về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Từ đó, giúp các em có được cái nhìn tổng quát, vươn lên phát triển thành người có tài để phát triển cho quê hương.

Đánh giá cao và biểu dương chương trình bếp ăn tình thương của các thầy, cô tại Trường Tiểu học xã Đăk Hà, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, chương trình đã giúp giảm đáng kể số lượng các em nghỉ học và ngày càng thu hút nhiều em đến trường hơn. Chính quyền huyện Tu Mơ Rông sẽ tạo mọi điều kiện để có thể hỗ trợ mô hình bếp ăn tình thương tiếp tục được phát triển, nhân rộng. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, xóa nạn mù chữ và cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.

Từ lớp học của cô Hồ Thị Thùy Vân trên vùng cao Tu Mơ Rông, nhiều lứa học sinh đã trưởng thành, đóng góp lớn vào sự phát triển của tỉnh Kon Tum nói riêng và của đất nước nói chung. Với những cống hiến không biết mệt mỏi của mình, cô giáo Hồ Thị Thùy Vân đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc năm 2020 và nhiều giấy khen khác cấp tỉnh, ngành...

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm