Čing K’nah – chiêng của người Ê đê

 Čing K’nah – chiêng của người Ê đê
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại.

Cồng chiêng được người Ê đê coi là linh hồn của dân tộc bởi nó chứa đựng những giá trị lớn trong đời sống tinh thần, phong tục nghi lễ suốt cuộc đời. Tiếng chiêng như sợi dây tâm linh nối kết con người với các đấng siêu nhiên, giúp con người bày tỏ niềm mong ước của bản thân cũng như của cộng đồng với thần linh. Các bộ chiêng giữ vai trò chủ đạo trong các nghi lễ như mừng nhà mới, mừng lúa mới, lễ chúc sức khỏe, cưới hỏi, lễ sinh đẻ, lễ cầu may, lễ tang, lễ bỏ mả.

Bộ Čing K’nah gồm 10 chiếc. Theo cách gọi và phân biệt của người Ê đê, 3 chiếc chiêng núm với tên gọi theo kích thước từ lớn đến nhỏ như sau: Ana čing (chiêng núm lớn nhất), Moong čing, Mđuh čing (chiêng núm nhỡ); cùng 7 chiếc chiêng bằng: lớn nhất hơi quá khổ 1 chút là chiếc Čhar (chiêng bằng lớn nhất), K'nah Dy, H'liang, Khŏk, H'Luê Khŏk, H'Luê H'liang, H'Luê Khŏk Diêt và biểu thị từng thành viên trong gia đình ứng với từng chiếc chiêng như: Čhar (người ông), Ana (người mẹ), Mđuh (người bố)…
Tấu chiêng trong đám tang của người Ê đê.
Tấu chiêng trong đám tang của người Ê đê.

Cấu tạo của bộ chiêng gồm 3 bộ phận chính: núm chiêng (đối với chiêng núm) đây là bộ phận được làm theo hình bán cầu từ mặt chiêng, là vị trí dùng để gõ, tạo ra âm thanh vang, ngân dài và có tiếng rung; mặt chiêng là một mặt phẳng xung quanh núm chiêng (ở chiêng núm) hay toàn bộ (ở chiêng bằng) và đều có hình tròn. Đây là bộ phận quyết định âm thanh như cao độ, sự “tròn, đầy” của tiếng và độ vang. Các nghệ nhân chỉnh chiêng, chủ yếu tác động vào bộ phận này; thành chiêng là một bộ phận nối liền với mặt chiêng thành một bản rộng bao quanh chiêng. Thành chiêng có hai loại: Thẳng đứng (đối với chiêng bằng) và khum (đối với chiêng núm).

Tiêu chuẩn để lựa chọn chiêng là độ vang, âm sắc và độ hòa hợp dễ nghe giữa các chiêng đối đáp tạo nên giai điệu. Với nhiều dân tộc, chiêng quý được đánh giá bởi nó “hát” hay, tiếng ngân vang xa hơn những chiếc chiêng khác. Với người Ê đê, ngoài tiêu chuẩn ấy, chiêng quý còn là những chiếc chiêng được pha lẫn các loại kim loại quý hiếm như vàng, đồng đen hoặc bạc; những bộ chiêng đã “tham gia” nhiều lễ cúng lớn.Trong các bộ chiêng của người Êđê, chiêng quý thường là hai chiếc Ana čing và Mđuh čing. Khi tấu nhạc, Mđuh čing và Ana čing đối thoại với nhau, nguyên tắc là nhóm Khŏk dẫn dắt và nhóm H'liang đi theo, như những luật tục mẫu hệ vậy. Mọi cuộc tấu chiêng của người Ê đê là những câu chuyện qua lại về thế tục và sự tưởng nhớ đến thần linh, tổ tiên.
 
Tiếng chiêng Ê đê có âm thanh chắc, khỏe, dồn dập, ngân và vang xa như khát vọng của chàng Đam San chinh phục Nữ thần Mặt Trời. Chiêng Ê đê mang đậm tính tiết tấu dù những yếu tố còn lại như giai điệu, hòa thanh... vẫn không bị lấn át. Tiết tấu chiêng Êđê rất nhanh, dồn dập, sôi nổi như thác reo, như gió thổi, đòi hỏi trình độ diễn tấu của nghệ nhân phải rất điêu luyện mới có thể cùng hòa tấu được. Âm thanh dàn chiêng K’nah vang xa và mạnh mẽ, “vút bay qua xà nhà vang lên tới 9 tầng mây xanh. Lọt qua sàn lan đến bảy tầng vực sâu đất đen...” chính là bởi sự va đập, bồi âm từ 10 chiếc chiêng cùng một lúc tấu lên; bởi dùi đánh chiêng được làm bằng chất liệu gỗ cứng, hoặc tre đực, gõ thẳng vào mặt phẳng của những chiếc chiêng bằng. Để âm thanh có sự thay đổi phong phú hơn, các nghệ sĩ đánh thường nhún người lên xuống.
 
Với người J’raiBanar, M’nông… nghệ nhân diễn tấu chiêng xếp thành vòng tròn, luôn di chuyển, người hơi khom lưng về phía trước, thường kết hợp với múa xoan… Còn với người Ê đê cồng chiêng được diễn tấu ngay trong nhà dài, trên ghế K’pan; trường hợp chiêng Êđê được đánh ngoài trời là khi cúng bỏ mả, cúng bến nước, tang lễ… Các chiêng núm được đánh bằng dùi gỗ có bọc vải mềm, chiêng bằng đánh bằng dùi gỗ không bọc gì, chiêng bằng được đánh vào mặt trong của chiêng, đó cũng là điểm khác biệt trong cách diễn tấu cồng chiêng của người Êđê so với các tộc người Tây Nguyên khác.

Cồng chiêng vốn là tài sản vô giá, được dân tộc Ê đê cũng như cộng đồng Tây Nguyên sáng tạo và không ngừng phát huy, trao truyền lại bao đời nay. Nhưng quá trình chuyển biến về kinh tế - xã hội và tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của các cộng đồng nơi đây. Việc gìn giữ và chuyển giao các tri thức và bí quyết về cồng chiêng lại cho thế hệ tương lai gặp rất nhiều khó khăn. Phần vì nhiều nghệ nhân nắm giữ bí quyết qua đời, nhiều người không biết hết các nghi lễ truyền thống, thế hệ trẻ ít hoặc không quan tâm đến cồng chiêng do sức hút mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại và văn hóa du nhập. Ở nhiều nơi, cồng chiêng bị tước khỏi ý nghĩa nguyên bản và không gian văn hóa linh thiêng. Cồng chiêng trở thành những vật buôn bán trao đổi, tái chế phục vụ cho các mục đích khác, không gian diễn xướng của cồng chiêng thì đang dần bị thu hẹp, bị sân khấu hóa và theo nhu cầu thưởng thức của du khách thập phương. Bởi vậy, gìn giữ và bảo tồn văn hóa cồng chiêng luôn là một yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết…
 
Trong những nhạc cụ cổ truyền của người Ê đê cũng như các dân tộc khác trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên, dàn chiêng được đồng bào xem trọng hơn cả bởi tiếng chiêng gắn bó với đời sống con người từ khi chào đời cho đến khi về với tự nhiên.
Theo baodaklak.vn

Có thể bạn quan tâm