Những dãy nhà bỏ hoang ở làng Tung |
Con đường dẫn vào làng Tung, làng Gút đã được bê tông phẳng lỳ. San sát hai bên đường là những ngôi nhà tái định cư. Nhìn từ xa 2 ngôi làng được quy hoạch bài bản, khang trang, người ta sẽ nghĩ đến cuộc sống của người dân 2 làng rất khá giả. Song chỉ khi tới làng, chúng tôi mới thấy được sự nghèo khó của 2 làng này.
Đứng ở đầu làng Gút chờ Trưởng thôn Đinh Aly từ làng cũ về, chúng tôi ghé thăm hộ gia đình ông Đinh Biếc nhưng chỉ có 3 đứa trẻ đang chụm đầu vào nhau đánh bài, trong nhà không có gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo cũ và một chiếc ti vi màu 14 inch. Đinh Uơl là con đầu lòng của ông Đinh Biếc đang học lớp 7, cho biết: Bố, mẹ cháu về làng cũ để làm lúa, trồng mì, bắp có khi cả tuần mới về. Cháu là chị cả có nhiệm vụ chăm sóc hai em. Cuối tuần bố, mẹ từ làng cũ mang lúa, bắp, mì, rau, củ quả về cho chúng cháu, rồi lại quay về làng cũ ở.
Cuộc sống của gia đình ông Đinh Biếc cũng là cảnh sống chung của 77 hộ dân trong làng. Dù được cấp nhà, cấp đất tái định canh-định cư nhưng không có đất làm ra hạt bắp, hạt lúa nên dân làng lại lũ lượt kéo nhau về làng cũ. Trưởng thôn Đinh Aly làng Gút, cho biết: Mới đầu, vận động bà con về làng tái định cư này, hộ nào cũng mừng. Ở gần đường, có điện, có trường học, con em trong làng không còn bị mù chữ nữa. Vui là thế nhưng không có rẫy không làm ra lương thực, bà con đói cái bụng nên lại quay về làng cũ ở. Việc sản xuất của bà con ở làng cũ chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện, nhưng việc học hành của con cái phải được đảm bảo, dù đã vận động tuyên truyền nhưng nhiều hộ vì thấy đi lại vất vả nên cho con nghỉ học luôn.
Tương tự, làng Tung, hiện có 73 hộ thì chỉ có khoảng 30 hộ ở làng mới để cho con đi học, còn lại đều quay về làng cũ ở. Ông Đinh Nhâm-Trưởng thôn làng Tung, nói: Năm 2010, bà con về làng mới này ở, được Nhà nước cho làng Tung 25 ha đất sản xuất ở ngay gần khu tái định cư. Thế nhưng, đất có làm được đâu, đất xói mòn lắm, cây trồng không có năng suất, bà con trồng được 1 vụ rồi bỏ không làm nữa. Cả làng giờ phải về làm ở làng cũ. “Vì thế mà nhiều ngôi nhà trong làng cũng bỏ hoang không có ai ở và đang xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, khi thấy cán bộ ngân hàng về đối chiếu lại công nợ để hoàn thiện hồ sơ trong quá trình thực hiện dự án tái định cư, bà con thấy vậy, tưởng phải trả nợ ngân hàng, cả làng đã kéo nhau về làng cũ ở hết”-ông Đinh Nhâm cho biết thêm.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Ních-Chủ tịch UBND xã Krong, cho biết: Dự án xây dựng khu tái định canh, định cư mới của 2 làng Tung và Gút được thực hiện theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh-định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2007-2010. Dự án của 2 làng có tổng mức đầu tư là 13,86 tỷ đồng, di dời các hộ dân của 2 làng vượt qua 2 con suối đến khu vực mới cạnh UBND xã để ở. Tổng thể, có 149 căn nhà được xây dựng kiên cố (kiểu nhà sàn), 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 trường học (2 trường Mẫu giáo, 2 trường Tiểu học), 8 giọt nước tự chảy, 1 cầu tràn, hơn 2 km đường bê tông, 1 đường điện thắp sáng và hỗ trợ khai hoang 50 ha đất sản xuất. Song, về làng mới ở được vài năm, do đất được cấp không thể sản xuất được vì đồi núi dốc, để lo cuộc sống, bà con 2 làng lại di dời về nơi ở cũ, cách khu tái định cư hơn 9 cây số đường rừng để sản xuất.
Cũng chính vì thế, kéo theo hệ lụy là việc học tập của lũ trẻ 2 làng phải gác lại khi theo chân bố mẹ lên rẫy. Hơn nữa, chương trình dự án tái định canh-định cư ở 2 làng lại được tiến hành bằng các nguồn vốn lồng ghép; trong đó, Nhà nước hỗ trợ một phần, bà con vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 8 triệu đồng/nhà và các doanh nghiệp hỗ trợ để thực hiện chương trình tái định canh-định cư. Xung quanh vấn đề trả nợ ngân hàng, theo ông Đinh Ních thì: “Nhà nước quy định trả trong 15 năm. Song thực tế là 2 làng rất khó khăn, vì thế chính quyền địa phương kiến nghị Nhà nước có cơ chế giải pháp hỗ trợ riêng miễn hoặc giảm vốn vay cho bà con, để họ không phải lo trả nợ nữa, sớm quay trở về làng mới, ổn định cuộc sống, cho con em tới trường”.
Báo Điện tử Gia Lai