Quá trình triển khai Chương trình Bình ổn thị trường từ năm 2002 đến nay đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết gồm: tạo nguồn hàng bền vững, thực hiện bình ổn thị trường thông qua cân đối cung cầu; thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa; kiểm soát thị trường, thông tin thông suốt, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tạo nguồn hàng bền vững Xuất phát từ thực tế, nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Thành phố Hồ Chí Minh có thể tự cung ứng khá hạn chế, chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương lân cận. Do đó, công tác tạo nguồn hàng bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố luôn gắn chặt với các chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất; chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung – cầu với các tỉnh, thành lân cận để tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát trong lưu thông hàng hóa.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chỉ đạo thực hiện chương trình bình ổn tại hệ thống Saigon Co.op ngày 25/01/2017. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Cụ thể, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất được hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường thực hiện 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng gồm: dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, Trung tâm Thương mại, siêu thị… Trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch 2.500 tỷ đồng. Mặt khác, trên cơ sở trao đổi thông tin xác định tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, cơ chế chính sách đầu tư gắn với Chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua chương trình hợp tác thương mại các địa phương, đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở rộng trang trại... phát triển hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả khu vực. Đánh giá việc tạo nguồn cung hàng hóa đảm bảo cho công tác bình ổn, là một khâu rất quan trọng đối với bất cứ doanh nghiệp nào tham gia Chương trình Bình ổn thị trường, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) cho hay, ngay từ khi tham gia chương trình, Saigon Co.op đã xác định tập trung vào các vấn đề như liên kết với nhà sản xuất, trang trại, hợp tác để tạo nguồn hàng vừa ổn định vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời tiến độ sản xuất và số lượng giao hàng. Song song đó, tổ chức hoạt động giao nhận, logistics từ nơi sản xuất đến điểm bán, vì nếu nguồn hàng chuẩn bị đầy đủ nhưng không đến được điểm bán khó đảm bảo được hiệu quả bình ổn thị trường. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Nhân, để thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các cơ hội từ chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung – cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Trong đó, Saigon Co.op chú trọng triển khai đưa hàng Việt về nông thôn, từ đó tạo ra động lực phát huy sức lan tỏa của Chương trình Bình ổn thị trường, góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thu hút doanh nghiệp tham gia Với chính sách minh bạch, công khai rộng rãi, cơ chế thực hiện hợp lý, Chương trình Bình ổn thị trường ngày càng thu hút các doanh nghiệp tham gia và tích cực triển khai nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Nếu như năm 2002 chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia thì đến năm 2016 Chương trình Bình ổn thị trường đã mời gọi được 86 doanh nghiệp tham gia. Chia sẻ kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia Chương trình Bình ổn thị trường, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho hay, doanh nghiệp đã có điều kiện thuận lợi tham gia vào mạng lưới phân phối, đặc biệt với uy tín của chương trình thì người tiêu dùng tin cậy vào hệ thống điểm phân phối hàng bình ổn. Tuy mỗi doanh nghiệp luôn không ngừng phát triển điểm bán của mình, nhưng với "bệ phóng" của Chương trình Bình ổn thị trường, doanh nghiệp có cơ hội thâm nhập vào các kênh bán lẻ hiện đại. Bên cạnh đó, nhờ vào Chương trình Bình ổn thị trường định hướng và kết nối mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước đã góp sức cùng nhau xây dựng nên mạng lưới phân phối lan tỏa rộng khắp vùng sâu, vùng xa.
Ngày 31/3/2017, nhân lễ tổng kết 15 năm chương trình "Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002-2017", lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố đã trao Cờ thi đua của Bộ Công Thương cho các tập thể làm tốt công tác bình ổn thị trường. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN |
Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, mạng lưới điểm bán hàng Bình ổn thị trường có sự gia tăng nhanh. Nếu năm 2002 Chương trình Bình ổn thị trường chỉ có 242 điểm bán, chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành, hiện tại Chương trình đã phát triển hơn 10.550 điểm bán, phủ kín 24 quận huyện. Từ đó, thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạng lưới phân phối theo hướng hiện đại trên địa bàn thành phố một cách hiệu quả, thiết thực, đảm bảo cung ứng hàng bình ổn thị trường đến tận tay người tiêu dùng, kể cả người dân tại khu vực quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Chương trình Bình ổn thị trường đã thể hiện được sự quyết tâm của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở ngành và đồng thuận của doanh nghiệp trên địa bàn. Nhờ vào đó, đã từng bước hình thành được mạng lưới phân phối hàng Việt nói chung, hàng bình ổn thị trường nói riêng theo hướng văn minh, hiện đại. Hiệu quả của Chương trình Bình ổn thị trường, cùng với các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đã giúp kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua. Theo ông Phạm Thành Kiên, từ Chương trình Bình ổn thị trường đã "thai nghén" ra nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, đây cũng là cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh tập hợp, phát triển đội ngũ doanh nghiệp mạnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, vì 100% hàng hóa trong Chương trình Bình ổn thị trường do các đơn vị chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh trong nước và mang thương hiệu Việt./.
(Còn tiếp)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN