Những năm vừa qua, Hà Nội đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Qua đó, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nhà sản xuất mà còn giúp người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc tiếp cận nông sản an toàn với giá cả hợp lý…
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến hết tháng 12/2021, tổng số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội là 145 chuỗi, trong đó có 52 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Các chuỗi liên kết này hoạt động hiệu quả, giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất, bà con nông dân an tâm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Tại huyện Ba Vì, ông Ngô Trọng Hiển ở xã Thụy An là một trong những người thành công trong lĩnh vực chăn nuôi theo chuỗi. Ông Hiển cho biết, ông bắt đầu từ mô hình nuôi gà đẻ trứng, sau đó phát triển thành mô hình chăn nuôi có quy mô sản xuất 2.000 mét vuông chuồng, mỗi lứa nuôi khoảng 1 vạn gà đẻ, 7.000 gà thịt, cho hiệu quả kinh tế lên tới hàng tỷ đồng/năm.
Tại huyện Ứng Hòa, Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết ở xã Phương Tú đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo Khu Cháy. Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất trên quy mô gần 300 ha lúa Japonica; liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Bà Cao Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết thông tin, trung bình mỗi vụ, hợp tác xã tiêu thụ khoảng 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica cho nông dân trên địa bàn huyện với giá thành ổn định nên nông dân rất phấn khởi.
Ông Chu Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì thông tin, thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với ngành nông nghiệp phát triển hàng chục mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình sản xuất chè sạch tại xã Ba Trại là một ví dụ điển hình. Ba Trại hiện có gần 3.000 hộ trồng chè, chiếm 80% dân số với 9 làng nghề chế biến chè búp khô đã được công nhận. Xã xác định phát triển cây chè gắn với du lịch sinh thái là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trong đó bà con nông dân là người trực tiếp tham gia và thu lợi. Từ chủ trương này, chuỗi liên kết từ sản xuất chè đến phát triển du lịch sinh thái theo hướng an toàn, bền vững đã giúp bà con nông dân xã Ba Trại vươn lên làm giàu, ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên và văn hóa truyền thống.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chia sẻ, sản xuất theo chuỗi được xác định là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển nông nghiệp thành phố. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành nông nghiệp cần trở thành “trụ đỡ” nền kinh tế Thủ đô thì phát triển chuỗi liên kết là ưu tiên hàng đầu. Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố. Hà Nội sẽ hỗ trợ chi phí giống, vật tư thiết yếu để phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ chi phí bao bì, nhãn mác cho các đơn vị khi tham gia sản xuất theo chuỗi; hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao...
Việc nông dân chủ động tiếp cận khoa học - kỹ thuật và phát triển các mô hình theo chuỗi liên kết cũng sẽ góp phần quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân, đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn Hà Nội.
Thực hiện: Trung Xuân