Chuỗi liên kết - hướng đi bền vững cho lĩnh vực chăn nuôi của Hà Nội

Hà Nội nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả.
Hà Nội nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả.

Thời gian qua, Hà Nội phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, đồng thời xây dựng các khu vực chăn nuôi an toàn dịch bệnh có quy mô lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội còn tổ chức các chuỗi liên kết, góp phần thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả…

Chuỗi liên kết - hướng đi bền vững cho lĩnh vực chăn nuôi của Hà Nội ảnh 1Hà Nội nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội báo cáo tại “Hội nghị đánh giá kết quả giao thương chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố năm 2022”, Hà Nội hiện có 159 chuỗi với 47 chuỗi có nguồn gốc động vật, nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường.

Một số chuỗi liên kết chăn nuôi hoạt động hiệu quả có thể nhắc đến chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm từ A - Z của Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai), chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gà, lấy thương hiệu trứng sạch Tiên Viên (huyện Chương Mỹ)... Ngoài ra, còn có các mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng chế phẩm sinh học, sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn ở các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Thường Tín, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng.

Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long thông tin, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hợp tác xã hiện có trên 4.100 con lợn, được nuôi trong chuồng có lắp đặt hệ thống làm ấm về mùa đông, làm mát vào mùa hè; có hệ thống xử lý mùi hôi; cơ sở giết mổ công suất 150 con/ngày, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nên sản phẩm cung cấp ra thị trường có chất lượng cao, tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng.

Tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì), một trong những vùng chăn nuôi bò tập trung lớn của Hà Nội, để phát triển chăn nuôi bò theo hướng nâng cao giá trị và bền vững, xã đã tổ chức quy hoạch chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, hỗ trợ cải tạo con giống, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chất lượng đàn bò. Cùng với đó là tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng quy mô chăn nuôi và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chăn nuôi… Hiện tổng đàn bò của xã Minh Châu đạt gần 5.200 con, trong đó bò cái sinh sản có trên 2.600 con, bò sữa có trên 2.000 con.

Đánh giá về hiệu quả của các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, việc hình thành các chuỗi liên kết từ con giống, chế biến, bảo quản đến sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm sẽ khắc phục dần những khó khăn trong chăn nuôi, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành nông nghiệp. Với 47 chuỗi sản phẩm động vật, trung bình mỗi ngày các chuỗi liên kết này cung cấp cho thị trường Hà Nội trên 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tham mưu cho thành phố tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, vay vốn tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi xây dựng trang trại theo hướng sản xuất khép kín. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, Hà Nội chú trọng chế biến sâu sản phẩm từ động vật để bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Thực hiện: Trung Xuân

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm