Tối 23/11, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6. Đây là giải thưởng cao quý nhất được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, trao tặng các nhà khoa học, tác giả, đồng tác giả của các công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ, có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng, thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ của đất nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ trao giải.
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được triển khai từ năm 1996, cho đến nay đã có 6 đợt xét tặng. Đợt này có 29 công trình, trong đó 12 công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 17 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước. Những công trình này là kết quả dày công nghiên cứu với sự tâm huyết cống hiến trí tuệ, tài năng của 281 tác giả, đồng tác giả.
Biểu dương 281 tác giả, đồng tác giả của các công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các công trình, cụm công trình này có giá trị đặc biệt to lớn, là kết quả dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ, tài năng của các tác giả. Những công trình này vừa mang tính lý luận sâu sắc vừa mang tính thực tiễn cao, góp phần nâng cao vị thế, trình độ khoa học - công nghệ của đất nước trong khu vực và quốc tế.
Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn xác định phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ là sự ghi nhận, biểu dương, tôn vinh của Đảng, Nhà nước đối với công trạng lớn lao của các nhà khoa học, các tác giả đã có công trình, cụm công trình tiêu biểu, xuất sắc về khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong phát triển khoa học công nghệ của nước ta như: Năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Hành lang pháp lý, cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; vẫn còn thiếu các cơ chế đãi ngộ để kích thích sáng tạo, sự cống hiến của các nhà khoa học. Mức chi cho khoa học - công nghệ khu vực Nhà nước và tư nhân còn khá thấp so với mức bình quân của thế giới...
Từ thực tế đó, Chủ tịch nước cho rằng, nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam “sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho Khoa học công nghệ, ưu tiên chi cho Khoa học công nghệ một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn.
Chủ tịch nước nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương Khoa học và Công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại...” Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết, đòi hỏi các ngành, các cấp, các nhà khoa học phải suy nghĩ nhiều hơn, hành động nhiều hơn. Chủ tịch nước gợi ý cần phải có một bước chuyển đổi về chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội, giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; xác định đây là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng để phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp. Đề xuất các cơ quan có thẩm quyền trong việc tăng tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước trong tổng chi ngân sách hàng năm cho lĩnh vực khoa học công nghệ; có chính sách khuyến khích đủ mạnh để khu vực tư nhân tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển; tiếp tục cải cách quy định, thủ tục, cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư thành lập các tổ chức nghiên cứu, các đơn vị học thuật, khuyến khích chuyển giao công nghệ…
Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đạt các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế; có chính sách hấp dẫn và cạnh tranh nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế có uy tín đến làm việc, sinh sống ở Việt Nam, tạo ra sự giao thoa, lan tỏa tri thức khoa học trong nước và thế giới. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.
Nhắc đến mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là quốc gia có công nghiệp hiện đại, Chủ tịch nước cho rằng để đạt được mục tiêu đó, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ trong những năm tới cần là một hoạt động trong chuỗi các nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển nền công nghiệp hiện đại của nước nhà. Hoạt động trao giải cần là sự kiện truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, khuyến khích cả xã hội gia tăng đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo, để trong thời gian tới, đất nước sẽ có được đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, từng bước nâng cao tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành tiệm cận với tiêu chuẩn ở các nước phát triển.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị xem xét, nâng tầm uy tín của Giải thưởng Hồ Chí Minh hơn nữa để vươn ra khu vực và thế giới. Mở rộng phạm vi giải thưởng trao cho các nhà khoa học quốc tế có những đóng góp bằng các nghiên cứu giá trị về Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực. Chủ tịch nước mong muốn, Việt Nam ngày càng có nhiều nhà khoa học đoạt các giải thưởng quốc tế có uy tín, vinh danh nền khoa học nước nhà, góp phần làm rạng danh trí tuệ Việt Nam, đóng góp vào kho tàng tri thức, khoa học, công nghệ của nhân loại.
Kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước đã xây dựng nên, Chủ tịch nước tin tưởng những cán bộ khoa học và công nghệ sẽ không dừng lại, không thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được mà tiếp tục đi sâu nghiên cứu, phát huy trí tuệ, bản lĩnh để chinh phục những đỉnh cao mới, góp phần đưa nền khoa học nước nhà tiệm cận với trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến khu vực và thế giới, tiếp tục có nhiều công trình có giá trị cao hơn nữa, góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững.
Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo Ban, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục dành sự quan tâm thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; đẩy mạnh việc nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất của cán bộ quản lý về khoa học, công nghệ ở các cấp, các ngành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học phát huy hết tài năng, khả năng sáng tạo của mình.
Quang Vũ