Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn do UBND thành phố Cần Thơ tổ chức vào chiều 29/3, ông Lê Sỹ Vinh, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn thành phố nêu rõ 3 đợt xâm nhập mặn sắp diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long và khuyến cáo thành phố chủ động theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Từ nay đến cuối tháng 5, Đồng bằng sông Cửu Long khả năng còn diễn ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao (ngày 8-14/4, ngày 23-28/4, ngày 6-12/5), trong đó đợt xâm nhập cao nhất vào ngày 8-14/4. Ông Lê Sỹ Vinh nhận định, dù thành phố Cần Thơ nằm ở vị trí vùng lõi, không giáp biển nhưng do tác động của hiện tượng El Nino năm nay khá mạnh mẽ và phức tạp nên khả năng vẫn bị ảnh hưởng.
Theo ông Mai Hiếu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ, chế độ thủy văn trên các sông, rạch ở thành phố đang trong thời kỳ đầu mùa kiệt, mực nước trên các sông, rạch tiếp tục xuống thấp cho đến giữa tháng 7. Mực nước thấp nhất năm sẽ xuất hiện gần giữa cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 7, ở mức -1,25m đến -1,3m (thấp hơn năm 2023).
Nhận định xu thế thời tiết, thủy văn trong mùa mưa, bão, lũ năm 2024 tại thành phố, ông Mai Hiếu Hiền dự báo mùa mưa tại Cần Thơ năm 2024 khả năng bắt đầu muộn hơn so với trung bình nhiều năm (từ khoảng 15 - 31/5). Cuối tháng 7, mực nước bắt đầu lên cao dần; đỉnh triều cường các tháng 9, 10, 11 và 12 mực nước lên cao trên mức báo động 3. Trên sông Hậu tại Cần Thơ, đỉnh triều cao nhất năm khả năng xuất hiện vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Tổng lượng mưa trong mùa mưa khả năng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5 - 15%.
Trước các dự báo trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè giao Chi cục Thủy lợi phối hợp Đài Khí tượng thủy văn thành phố giám sát tình hình xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước để kịp thời thông tin đến chính quyền các cấp, người dân bằng các hình thức nhanh nhất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp các quận, huyện hướng dẫn người dân hướng sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu, đất đai nhằm đảm bảo sản xuất không bị thiệt hại nếu xảy ra thời tiết cực đoan.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND các quận, huyện trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí hằng năm dự trù khắc phục hậu quả, ngăn chặn sạt lở tại các địa phương. Các quận, huyện khẩn trương rà soát và lập kế hoạch thu, nộp quỹ phòng, chống thiên tai năm 2024 - 2025, đảm bảo nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời.
Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố xảy ra sạt lở bờ sông trên tuyến sông Trà Nóc (quận Bình Thủy) với tổng chiều dài sạt lở 35m. Sạt lở lấn sâu vào bờ đoạn lớn nhất 7m, làm sạt hoàn toàn 2 căn nhà tạm ven sông, ảnh hưởng 4 căn nhà. Ước tính thiệt hại do sạt lở bờ sông Trà Nóc khoảng 300 triệu đồng.
Năm 2023, tại Cần Thơ xảy ra 41 đợt sạt lở ở các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai... làm bị thương 2 người, thiệt hại ước tính trên 34,4 tỷ đồng; xảy ra 22 đợt mưa kèm dông lốc tại quận Ninh Kiều, Cái Răng, Cờ Đỏ... làm bị thương 3 người, ước thiệt hại 970 triệu đồng.
Thu Hiền