Ngày 20/7, Đoàn công tác do ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại Hòa Bình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, Hòa Bình là địa bàn thường xuyên xuất hiện mưa đá, lốc xoáy, sạt lở, ngập lụt... gây thiệt hại không nhỏ về tài sản cũng như sản xuất của người dân. Đặc biệt, các đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa to đến rất to.
Từ đầu năm đến nay, địa bàn tỉnh xảy ra 13 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, hai đợt rét đậm rét hại, 8 đợt nắng nóng diện rộng và nhiều ngày nắng nóng cục bộ, nắng nóng gay gắt; 4 đợt mưa lớn diện rộng…thiệt hại do thiên tai gây ra ước khoảng trên 4,4 tỷ đồng. Trong đó, 18 hộ bị thiệt hại về nhà ở; gần 11 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại trên 30%, nhiều công trình thủy lợi, công trình công cộng bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng.
Hiện nay, địa bàn tỉnh có 234 điểm dân cư với 5.215 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai cần có phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư. Trong đó, 143 điểm với 3.298 hộ bị ảnh hưởng cần bố trí ổn định dân cư; 21 điểm thường xuyên bị lũ ống, lũ quét với 167 hộ bị ảnh hưởng; 70 điểm thường xuyên bị ngập úng với 1.750 hộ bị ảnh hưởng.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, UBND tỉnh Hòa Bình đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Tỉnh ban hành và triển khai Kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro xảy ra trên địa bàn tỉnh; rà soát điểm dân cư có nguy cơ sạt, trượt để đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân. Các địa phương, đơn vị rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp, bổ sung vật tư, trang thiết bị phù hợp.
Tại buổi kiểm tra, các đại diện sở, ngành đã đề xuất với Đoàn công tác, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để tỉnh khắc phục, phục hồi công trình công cộng bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các dự án ổn định dân cư; hỗ trợ kinh phí lắp đặt trạm quan sát sạt lở, trượt lở, hệ thống cảnh báo trượt lở cho khu vực trọng điểm…
Kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình trong công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục và cần chủ động phương án ứng phó trên tinh thần thích ứng, linh hoạt, xử lý nhanh.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa. Địa phương chủ động cơ sở vật chất, trang thiết bị và lực lượng cứu nạn khi có sự cố xảy ra; xây dựng phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình trọng điểm quốc gia Thủy điện Hòa Bình; lồng ghép các chương trình, dự án để bố trí ổn định dân cư có nguy cơ sạt lở, ngập úng, bị ảnh hưởng do thiên tai.
Trước đó, Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại Công trình dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng giai đoạn 2.
Thanh Hải