Chợ nổi Cái Bè

Chợ nổi Cái Bè
Khung cảnh buôn bán nhộn nhịp ở chợ nổi Cái Bè.
Khung cảnh buôn bán nhộn nhịp ở chợ nổi Cái Bè.

Được hình thành từ thế kỷ thứ XVIII, chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Có thuận lợi về vị trí địa lý, là nơi tiếp giáp của 3 tỉnh là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long nên chợ nổi Cái Bè lúc nào cũng tấp nập người mua bán. Hàng hóa ở đây vô cùng đa dạng và phong phú, từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống,… Nhưng nổi bật nhất là trái cây, bởi huyện Cái Bè là nơi có nhiều vườn trái nhất tỉnh Tiền Giang. Chợ nổi Cái Bè chính là minh chứng sinh động nhất cho một nét văn hóa đặc sắc của vùng đất phương Nam, là trạm trung chuyển trái cây và các sản vật đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Giống như các chợ nổi khác, nét độc đáo của chợ nổi Cái Bè là “sào nào, rau củ ấy”, tức là trên ghe thuyền bán loại trái cây, nông phẩm nào thì treo lên sào cho người mua dễ nhận biết. Ngoài những mặt hàng thông thường, du khách có thể tìm thấy các loại trái cây chuyên canh của Tiền Giang, như: bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè… hay những đặc sản như: kẹo dừa, mật ong,... Với giá cả phải chăng cùng sự gần gũi, thân thiện của những người bán hàng luôn mang đến cho người mua, đặc biệt là những du khách cảm giác dễ chịu và thích thú.

Người thích khoảng lặng và yên bình nên tham quan chợ nổi vào buổi chiều để tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt của những con người lam lũ trên ghe thuyền. Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc “phố nổi” lên đèn, mang chút thơ mộng và trầm buồn. Đây được xem là lúc đẹp nhất, lung linh nhất của vùng chợ nổi này.

Ngày nay, do nhu cầu mua bán tăng cao, chợ nổi không chỉ buôn bán trái cây hay các loại nông phẩm, mà còn cả các món ăn. Các xuồng nhỏ len lỏi giữa các thuyền trái cây, chủ yếu bán nước uống, điểm tâm sáng cho người đi chợ như: bánh ướt, hủ tiếu, cháo lòng, bánh canh, bún giò, cà phê, trà đá… Du khách đến đây sẽ có dịp trải nghiệm những phút giây thư thái giữa bốn bề sông nước hữu tình.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm