Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tiết kiệm 958,4 tỷ đồng

Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tiết kiệm 958,4 tỷ đồng
Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia.     Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, nói như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, là sẽ giảm thiểu hồ sơ, quy trình sai, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, đánh dấu sự nỗ lực trong quá trình đổi mới, phát triển, hiện đại hóa nền hành chính, chuẩn bị cho một nền kinh tế số, xã hội số. Cổng dịch vụ công quốc gia tạo dựng một địa chỉ cung cấp thông tin và hỗ trợ việc thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công liên tục, minh bạch, chính xác, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, chống tiêu cực, tiết kiệm chi phí. Hay như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia là việc công khai, minh bạch giữa người xử lý, giải quyết dịch vụ công với người được cung cấp dịch vụ công thông qua mạng điện tử không những giúp chúng ta làm thủ tục nhanh hơn mà còn chống được cửa quyền, hách dịch, ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”. Theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lượng hồ sơ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế trung bình hàng năm khoảng 2,6 triệu hồ sơ. Khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, lợi ích đong đếm được khá rõ ràng, bởi sẽ giảm thời gian đi lại giải quyết thủ tục hành chính theo quy định trực tiếp là 1 ngày làm việc, với 4 lượt đi lại. Như vậy, chi phí tiết kiệm được sẽ là 886,6 tỷ đồng. Khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng được tích hợp, các thông tin được điền tự động vào mẫu đơn, tờ khai và tái sử dụng hồ sơ, thông tin đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bảo hiểm xã hội, không phải nộp lại hồ sơ, giấy tờ nên giảm thời gian, chi phí chuẩn bị hồ sơ tối thiểu 1 giờ làm việc. Theo đó, chi phí tiết kiệm được hơn 71,8 tỷ đồng, đưa tổng chi phí tiết kiệm tối thiểu khi thực hiện thủ tục này là 958,4 tỷ đồng. Tại buổi họp báo thông tin về khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia mới đây, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đánh cao Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đây là một trong 6 cơ sở dữ liệu quan trọng để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử (5 cơ sở dữ liệu khác là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số; cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính). Ba năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với sự phối hợp của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn để cập nhật, duy trì, đảm bảo chất lượng và làm giàu dữ liệu, xây dựng một cơ sở dữ liệu chuyên ngành đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Trong đó có dữ liệu nhân khẩu có hiệu lực đã được cấp mã số trong hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế là trên 97,4 triệu nhân khẩu; cơ sở dữ liệu của 14,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 488.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 13,11 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 85,24 triệu người tham gia bảo hiểm y tế mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý biến động. Bên cạnh đó còn có cơ sở dữ liệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với 3,6 triệu người; cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu lượt khám chữa bệnh. Những cơ sở dữ liệu trên đã giúp ngành Bảo hiểm xã hội cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát được tình trạng gian lận khi thanh toán bảo hiểm. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội đã được chia sẻ với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch nhằm phục vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, góp phần giảm đáng kể số lượng giấy tờ, thủ tục và chi phí. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, cả nước hàng ngày có khoảng 8.000 hồ sơ khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi phát sinh mới có thể chuyển sang Bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm hơn 1% số giao dịch hành chính công giữa công dân với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Hiện nay, trong giai đoạn chưa có cơ sở dữ liệu dân cư, nghị định về định danh và xác thực điện tử thì cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội là một trong những cơ sở để các nhà cung cấp dịch vụ có thể đối chiếu, xác thực khi người dùng đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Chu Thanh Vân

Có thể bạn quan tâm