Tham dự Hội thảo có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; đại diện đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Phải coi chính sách bảo hiểm xã hội là trụ cột của an sinh xã hội. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của an sinh xã hội Khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và tìm kiếm các giải pháp đối với Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khai mạc Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu rõ: Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm hệ thống chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân; trong đó một trong những trụ cột quan trọng nhất là chính sách bảo hiểm xã hội. Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Ghi nhận những thành tựu mà ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, đặc biệt là ngành Bảo hiểm xã hội đã đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả này đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, chính sách bảo hiểm xã hội vẫn còn những hạn chế như: Diện bao phủ còn ở mức thấp so với các nước; quỹ bảo hiểm xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn; các chế độ bảo hiểm xã hội còn chưa đa dạng, linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục còn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động… Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội cần tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách bảo hiểm xã hội như một công cụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước. Phó Thủ tướng khẳng định, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam đến năm 2030; gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội; tập trung đổi mới mô hình, xây dựng hệ thống hiện đại, đa tầng, đa dạng các hình thức chế độ, linh hoạt trong thiết kế, chuyên nghiệp trong vận hành gắn với nâng cao chất lượng bảo đảm an sinh xã hội.Thực hiện nguyên tắc đóng, hưởng công bằng, có chia sẻ
Bàn chủ trì hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Đánh giá chính sách bảo hiểm xã hội giai đoạn 1996 – 2016, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chỉ rõ, số tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, tốc độ tăng chậm. Ngoài ra, quỹ hưu trí – tử tuất khó đảm bảo cân đối trong dài hạn. Theo ông Phạm Trường Giang, nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là gánh nặng lớn cho quỹ bảo hiểm xã hội. Cụ thể, tuổi hưu trung bình là 54,1 tuổi; trong khi tuổi thọ bình quân người nghỉ hưu là 78,8 tuổi. Tính trung bình, thời gian hưởng là 24,7 năm (nam 22,5 năm; nữ 26,9 năm). “Tuy nhiên, thời gian đóng bình quân bảo hiểm xã hội là 28 năm chỉ đủ trả trong vòng 8 năm. Vậy ai sẽ chịu “gánh nặng” khi thời gian hưởng là 24,7 năm?”, ông Giang đặt vấn đề và cho rằng, muốn cân đối quỹ phải giảm tỷ lệ thay thế (hưởng) hoặc tăng mức đóng góp đồng thời kéo dài thời gian lao động. Ông Giang đề xuất, xây dựng lộ trình điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, 10 năm; điều chỉnh các thông số trong công thức tính lương hưu theo hướng tăng cường chia sẻ; tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng lao động, ngành nghề phù hợp. Đặc biệt, cần điều chỉnh lương hưu theo hướng độc lâp với điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Bà Trần Thị Liễu, Vụ Kế hoạch tài chính (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Bà Vũ Phương Ly, Chuyên gia Chương trình UN Women (Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng, đối với chế độ hưu trí, thiết kế mức đóng, hưởng chưa phù hợp; nguyên tắc chia sẻ chưa thể hiện… Từ bất cập này, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất cần quy định lại căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (mức đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, mức đóng tối đa); thực hiện đúng nguyên tắc đóng, hưởng công bằng, có chia sẻ trong chế độ hưu trí; giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu, hạn chế bảo hiểm xã hội một lần, hạn chế nghỉ hưu trước tuổi, nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình phù hợp. Bên cạnh đó, quy định mức lương hưu thấp nhất phải đảm bảo mức sống tối thiểu, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc điều chỉnh mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, lương hưu trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ, tập trung vào nhóm có mức lương thấp.
Ông William Price, chuyên gia bảo hiểm xã hội của Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Ở góc độ khác, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, ông Nuno Cunha, Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO, đề xuất xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Cụ thể, một chương trình bảo hiểm xã hội toàn dân và một chương trình đóng bảo hiểm tự nguyện dành cho những người muốn được bảo vệ tốt hơn, có khả năng chi trả mức phí cao. Trong đó, chương trình bảo hiểm xã hội toàn dân quy định mức lương hưu chung để thu hẹp khoảng cách giữa mọi người dân trên 65 tuổi và một khoản lương hưu được xác định trước với tỉ lệ mỗi năm đóng bảo hiểm được cộng 1,5% lương bảo hiểm trung bình đối với người lao động trong khu vực chính thức, tuổi về hưu dần tăng lên 65 với cả nam và nữ.
Ông Nuno Cunha, Chuyên gia cao cấp về An sinh xã hội của ILO phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị cần hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội; cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ công.Chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức để mở rộng diện bao phủ Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, chính sách bảo hiểm xã hội phải song hành và đặt ngang tầm với các chính sách kinh tế - xã hội. Đầu tư cho bảo hiểm xã hội là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững, do đó phải tính toán chi phí lợi ích của vấn đề này trong ngắn hạn và dài hạn. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, muốn thành công trong công tác này phải có sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao và sự đồng hành của toàn xã hội. Ngoài ra, phải coi chính sách bảo hiểm xã hội là trụ cột của an sinh xã hội, phải được lồng ghép trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặt trong tổng thể chương trình phát triển kinh tế xã hội quốc gia cũng như của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội phải tiến hành đồng bộ, toàn diện, trọn gói, “tránh điều chỉnh việc này không nhìn thấy việc kia”, không có tính hệ thống. Việc cải cách chính sách cần song hành với cải cách cơ quan thực hiện chính sách, tức là đổi mới khâu quản lý Nhà nước, quản trị.
Hội thảo quốc tế “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lộ trình cải cách cần gắn với khả năng của nền kinh tế và khả năng của ngân sách Nhà nước; mục tiêu của cải cách cần ưu tiên mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội với mức lương, hưởng hợp lý hơn là diện bao phủ thấp nhưng mức hưởng cao. Theo đó, cần tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường nói chung trong đó có thị trường lao động nói riêng, vì “không có quan hệ lao động thì khó có chuyện người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”. Đặc biệt, phải chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức như một giải pháp quan trọng trong việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển những thành tựu đã có, ổn định trong thời gian dài, đảm bảo trật tự an toàn xã hội đồng thời phải hành động sớm, vì “càng tiến hành sớm thì càng có nhiều dư địa để cải cách”. Phó Thủ tướng đề nghị, sau Hội thảo này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, xây dựng, hoàn thiện Đề án về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền theo quy định; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan.
Phan Phương