Người dân vùng tái định cư Thủy điện Sơn La còn nhiều khó khăn. Ảnh : Nguyễn Hồng Cường |
Theo Bộ Công Thương, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho bồi thường di dân, tái định cư Nhà máy thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hạch toán tăng giá trị tài sản cố định hình thành từ đầu tư 2 dự án này, đồng thời bổ sung vốn chủ sở hữu lên 19.100 tỷ đồng. Trong khi đó, thực hiện nhiệm vụ phát triển năng lượng, các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên đã tổ chức di dân, lấy mặt bằng để EVN xây dựng các nhà máy thủy điện trọng điểm của quốc gia trên địa bàn. Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tái định cư cho đồng bào dân tộc, phát triển kinh tế- xã hội vùng tái định cư, các địa phương này đều đề nghị Chính phủ sử dụng một phần khấu hao trích từ nguồn vốn ngân sách cấp cho bồi thường di dân, tái định cư Nhà máy thủy điện Sơn La và Tuyên Quang để triển khai các dự án. Cụ thể, Sơn La sẽ cải tạo, nâng cấp đường nối quốc lộ 37 với quốc lộ 279D. Tuyên Quang thực hiện Dự án điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sơn La sẽ thực hiện Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La và Hòa Bình thực hiện Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế- xã hội vùng chuyển dân sông Đà giai đoạn 2009 -2015 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bố trí nguồn, tiếp tục đầu tư cho vùng di dân, tái định cư bảo đảm đời sống của đồng bào dân tộc tốt hơn nơi ở cũ; đáp ứng được những hy sinh và mong mỏi của đồng bào, cán bộ các địa phương trên. Lãnh đạo các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho rằng việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho bồi thường di dân, tái định cư Nhà máy thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, để sử dụng cho các dự án này hoàn toàn phù hợp với các quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và các quy định pháp luật hiện hành. Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tính cấp thiết và ý nghĩa an sinh xã hội to lớn của các dự án. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn chỉnh báo cáo, trình Thủ tướng đồng ý sử dụng 3.600 tỷ đồng trong số 19.100 tỷ đồng khấu hao tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước cấp cho dự án bồi thường di dân, tái định cư của nhà máy thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, để hỗ trợ cho các dự án bồi thường di dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư của 4 tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên. Cụ thể, phân bổ cho tỉnh Sơn La 1.100 tỷ đồng, Tuyên Quang là 938 tỷ đồng, Điện Biên là 426 tỷ đồng, Hòa Bình là 1.136 tỷ đồng để thực hiện các dự án. Phần vốn còn thiếu để cấp cho các tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ để bố trí, sử dụng theo thẩm quyền hoặc báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sử dụng nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 hoặc Kế hoạch vốn trung hạn của giai đoạn 2021- 2025. Về phương án bố trí vốn, Phó Thủ tướng đề nghị trên cơ sở ngân sách, vốn điều lệ theo nghị định của Chính phủ với EVN, giao Bộ Tài chính hướng dẫn EVN thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng nộp 3.600 tỷ đồng vào Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định phân bổ cho các địa phương. Phần còn lại 15.500 tỷ đồng, EVN được sử dụng để bổ sung nhu cầu vốn cho các dự án cấp bách khác của Tập đoàn. Khi các địa phương sử dụng các khoản vốn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát kỹ các dự án, thống nhất dự toán, kinh phí, triển khai các dự án theo đúng pháp luật về đầu tư xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Vân - Chung