Ngay sau Hội nghị Chính phủ với địa phương, chiều 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020, chủ yếu bàn về công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận về: Tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2020, nhiệm vụ năm 2021; báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi), về Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025…
Sau khi nghe ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình trạng chậm, nợ văn bản giảm dần nhưng đến cuối năm 2020 có xu hướng tăng so với năm 2017. Một số văn bản nợ do chờ chủ trương của các cấp có thẩm quyền hoặc nội dung phức tạp, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng thêm, cân nhắc thời điểm ban hành phù hợp.
Về công tác xây dựng pháp luật năm 2021, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43/CT-TTg về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Đây là sản phẩm sau Hội nghị toàn quốc do Chính phủ tổ chức về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật vào ngày 24/11/2020.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chủ động phối hợp chỉnh lý các dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, tập trung soạn thảo, trình các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật năm 2021.
Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng lưu ý phải làm rõ sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ giữa 2 dự án Luật.
Bộ Công an cần tiếp thu ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, trong đó Bộ được lưu ý về sự cần thiết ban hành, báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận cùng với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Các bộ, ngành cần chỉ đạo sát sao việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền đối với các văn bản còn nợ ban hành.
Chính phủ cũng thảo luận về dự thảo Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia. Việc xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 để làm căn cứ để xác định, nhận diện chính xác hơn, toàn diện hơn về hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều và đối tượng khác đang thụ hưởng các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia cũng được coi là cơ sở thực tiễn để xác định mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ giai đoạn 2021-2025.
PV