Nhiều hộ dân ở xã Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) bị lũ cuốn trôi nhà, đất hiện đang phải dựng tạm nhà cách xa nơi cũ. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật – TTXVN |
Tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An, gia đình ông Lô Văn Thành (dân tộc Thái) có 10 khẩu. Trước đây, ở bản Minh Phương, xã Lượng Minh, căn nhà của gia đình ông khá kiên cố, có vườn rộng trên 300 m2. Cuộc sống, sinh hoạt của gia đình ông lâu nay diễn ra bình thường. Tháng 8/2018, trận lũ quét lịch sử đã làm đất và nhà của gia đình ông bị sạt lở, hư hỏng. Mất đất, mất nhà, nơi ở cũ không thể ở được, ông đã được chính quyền địa phương cho chuyển về dựng nhà ở tạm tại nơi mới cách chỗ cũ 4 km.
Cạnh nhà của ông Thành là nhà chị Lô Thị Chính. Nhà chị trước đây ở bản khác, nhưng do nước dâng, lũ quét, nơi cũ không thể ở được, chị phải chuyển đến đây. Mất nhà, mất đất, chị phải dựng nhà ở tạm trong tình cảnh thiếu thốn.
Hoàn cảnh như gia đình ông Lô Văn Thành và chị Lô Thị Chính còn rất nhiều ở các huyện miền núi Nghệ An nói chung và xã Lượng Minh, huyện Tương Dương nói riêng. Lũ lụt cộng với việc các nhà máy thủy điện xả lũ đã làm hàng ngàn hộ gia đình tại các huyện miền núi Nghệ An bị sạt lở đất ở, đất vườn hoặc mất đất, mất nhà. Cuộc sống của họ từ chỗ đang bình yên trở thành những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn.
Nhiều hộ dân ở xã Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) bị lũ cuốn trôi nhà, đất hiện đang phải dựng tạm nhà cách xa nơi cũ. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật – TTXVN |
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2019, trong khi nhiều nhà đang chuẩn bị mua sắm, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Tết, những hộ gia đình này dường như vẫn chưa có gì gọi là đón Tết. Ông Lô Văn Thành nhớ lại, khi đang còn ở nơi cũ, gia đình ông cũng như các gia đình khác trong bản, vào những ngày cận Tết không khí đã rất rộn ràng. Hàng năm, các phong tục đón Tết cổ truyền dân tộc Thái được gia đình ông và đồng bào nơi đây duy trì, như dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, làm mâm cơm cúng bái tổ tiên… Ở các bản làng khi chưa bị thiệt hại bởi thiên tai, hằng năm các hoạt động đón Tết, vui Xuân đều được chuẩn bị chu đáo theo đúng phong tục Tết cổ truyền dân tộc. Trong bản có các hoạt động như kéo co, ném còn, múa nhảy… Trong gia đình, con cháu ở gần cũng như ở xa, đến ngày Tết đều cố gắng về, gặp mặt đầm ấm. Ông Lô Văn Thành cho biết, năm nay gia đình ông cũng như các gia đình khác phải ở trong nhà tạm, sinh hoạt chật chội, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần.
Nhiều hộ dân ở xã Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) bị lũ cuốn trôi nhà, đất hiện đang phải dựng tạm nhà cách xa nơi cũ. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật – TTXVN |
Xã Lượng Minh, huyện Tương Dương có 1.157 hộ với 5.063 nhân khẩu. Đợt lũ quét xảy ra vào tháng 8/2018 đã làm nhiều bản trong xã bị chia cắt hoàn toàn. Toàn xã có 65 hộ bị lũ quét cuốn trôi nhà, sạt lở đất, không thể ở được nơi ở cũ, phần lớn các hộ này là hộ nghèo hoặc cận nghèo của xã.
Ông Lô Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, các hộ gia đình này đang rất khó khăn, thiếu thốn cả trong sinh hoạt, cuộc sống, làm ăn; chỗ ở tạm không đảm bảo; nước sinh hoạt, điện đều thiếu. Để chuẩn bị Tết cho các hộ này, chính quyền địa phương đã đưa các hộ vào danh sách ưu tiên hàng đầu để nhận quà Tết từ chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Mới đây, thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông đã về xã Lượng Minh trao quà cho 32 hộ dân trong diện này.
Nhiều hộ dân ở xã Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) bị lũ cuốn trôi nhà, đất hiện đang phải ở tạm. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật – TTXVN |
Ông Lô Văn Hùng cho biết thêm, dịp Tết này, chủ trương của xã cũng như của huyện Tương Dương là tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tại các vùng lũ lụt nói chung và các hộ dân bị mất nhà, mất đất, phải di dời nơi ở do lũ quét được đón Tết và có được cái Tết cổ truyền dù chưa đầm ấm, đủ đầy, nhưng cũng không đến nỗi không có Tết. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt trong dịp Tết. Về lâu dài, xã rất mong huyện, tỉnh và các ngành liên quan có giải pháp giúp đỡ các hộ này ổn định cuộc sống, sản xuất, thoát khỏi cuộc sống tạm bợ, khó khăn.
Nguyễn Văn Nhật