Chiều 17/11, tại tỉnh Thái Nguyên, Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo quốc tế chủ đề “Hướng tiếp cận mới của y học trong chăm sóc sức khỏe toàn cầu”. Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả đến từ một số trường Đại học, Viện nghiên cứu trong, ngoài nước như: Viện Phát triển Y tế ASEAN, Đại học Mahidol (Thái Lan); Đại học Y Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc); Đại học Khoa học Ứng dụng Artevelde (Bỉ)… cùng hơn 300 nhà khoa học, học giả, học viên sau Đại học và sinh viên y khoa.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Phương Sinh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên cho biết, những năm gần đây, ngoài việc tăng cường chất lượng và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, việc nâng cao sức khỏe cũng được chú trọng. Năm 1968, Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa nâng cao sức khỏe là quá trình giúp con người tăng cường khả năng kiểm soát và cải thiện sức khỏe của mình. Nâng cao sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của cá nhân, gia đình, cộng đồng, tiểu bang và quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm tử vong sớm. Bằng cách tập trung vào phòng ngừa, nâng cao sức khỏe sẽ giảm chi phí mà một cá nhân, cộng đồng và quốc gia phải chi cho việc điều trị y tế. Hội thảo mong muốn nhận được những chia sẻ về kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm trong việc áp dụng đổi mới y học, xây dựng mạng lưới nâng cao sức khỏe nhằm cung cấp tốt hơn nữa dịch vụ chăm sóc sức khỏe có giá trị cao.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã đưa ra những báo cáo chuyên sâu trong lĩnh vực y học như: Xây dựng tương lai nâng cao sức khỏe tại ASEAN; tăng huyết áp và đột quỵ tái diễn, tác động sửa đổi của chất cân bằng chống oxy hóa; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y học; kỹ thuật giải trình tự gen và ELISPOT trong đánh giá nguy cơ lây truyền HBV từ mẹ sang con ở phụ nữ mang thai tại Việt Nam; mở rộng can thiệp phòng, chống bệnh không lây nhiễm ở khu vực châu Á, hiệu quả và phân tích chi phí dựa vào cộng đồng tại Việt Nam; những thách thức trong chăm sóc sức khỏe tại Bỉ;…
Bên cạnh những ý kiến nâng cao sức khỏe con người, các đại biểu cũng cho rằng việc đổi mới y tế đóng góp quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Bởi thực tế, những đổi mới y học đã diễn ra trong suốt lịch sử, liên tục được nâng cao khả năng điều trị những căn bệnh phức tạp của con người như: Chế tạo vaccine đậu mùa đầu tiên vào thế kỷ 18, sự phát triển của thuốc kháng sinh vào những năm 1920 và ca cấy ghép nội tạng đầu tiên trên thế giới ba thập kỷ sau đó… Ở thế kỷ 21, đổi mới y học còn mang lại nhiều tiến bộ hơn nữa, đổi mới chăm sóc sức khỏe đang tăng tốc ở quy mô chưa từng có, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Những ý kiến phân tích của các đại biểu dự Hội thảo sẽ là những luận cứ quan trọng góp phần xây dựng mạng lưới nâng cao sức khỏe tại châu Á; đồng thời cập nhật các sáng kiến, kết quả ứng dụng công nghệ y tế trong chẩn đoán và phòng ngừa bệnh, từ đó có những đóng góp quan trọng trong sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn cầu của nền y học nước nhà.
Trần Trang