Khoảng 50 chị em không ngại cái nắng trưa của Đơn Dương, thích thú lội đồng giữa vườn hành lá xanh ngát của chị Ma Khuê ở thôn Ka Đê, xã Ka Đơn (huyện Đơn Dương). Lúc đoàn tham quan đến nhà, chị Ma Khuê đang ở ngoài vườn. Nghe tin đoàn đến, chị nhanh chóng trở về ngôi nhà xây khang trang để gặp gỡ chị em. Ma Khuê còn khá trẻ, sinh năm 1983, trong bộ đồ lao động, mang ủng, đội cả mũ và nón để che nắng và không giấu nổi vẻ mộc mạc chất phác của người đồng bào dân tộc K’Ho: “Có gì đâu, mình chỉ làm thôi, không nói được. Mình mời tất cả chị em ra xem vườn mình, đang có 20 công lao động trồng hành ngoài đó”.
Ma Khuê bên vườn hành lá xanh mướt |
Chúng tôi theo chân Ma Khuê ra vườn. Nhiều chị em trầm trồ thán phục, không tin vào mắt mình vì giữa cái nắng vàng lại mở ra một màu xanh mát của hành lá. Những luống hành tiếp nối nhau, phía xa có một nhóm người đang lom khom xuống giống lứa hành mới. Đứng giữa vườn hành, Ma Khuê kể cho chị em nghe quá trình chị chuyển đổi từ trồng lúa sang rau màu và duy trì việc trồng hành lá cả mấy năm nay.
“Làm ruộng không được thu nhập cao nên tôi chuyển sang trồng cà chua, sú, hành, rau các loại. Những cây ngắn ngày cho thu nhập được hơn lúa gạo. Nhờ vậy, gia đình tôi 1 năm thu nhập hơn 200 triệu đồng. Trên diện tích 3 mẫu, mình trồng rau 2 mẫu, lúa 1 mẫu. Chủ yếu trồng hành lá và chăn nuôi 7 con trâu để lấy phân làm vườn”. Hai vợ chồng Ma Khuê là lao động chính và thuê thêm 20 công trồng hành vì lúc xuống giống cần rất nhiều công; còn thường xuyên hằng ngày có 3-4 công lao động chăm sóc hành lá. Ma Khuê trả tiền công cho lao động nam 150.000 đồng/ngày, nữ 120.000 đồng/ngày.
Câu chuyện chuyển đổi cây trồng của Ma Khuê bắt đầu từ lúa thu hẹp dần diện tích để sang trồng cây sú với cà chua. Lúc này chị đã thấy việc chăm sóc rau màu công phu hơn trồng lúa. Gần 10 năm trồng rau, Ma Khuê biết áp dụng khoa học kỹ thuật, hiểu nhiều cách trồng rau, chăm sóc, dùng thuốc, phân bón và cách tiêu thụ sản phẩm. “Hành lá cứ 1 tháng bán cho thương lái mua theo sào. Nếu mình chăm sóc tốt, hành đạt thì 1 tháng 20 ngày thu được; nếu chăm yếu thì 2 tháng mới thu được”. Ma Khuê tham gia nhiều hội thảo sản xuất cây rau màu áp dụng vào cây trồng cho năng suất cao, tăng thu nhập gia đình và giải quyết thêm việc làm cho nhiều lao động trong thôn. Gia đình Ma Khuê mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tự động 50 triệu đồng nhằm giảm bớt sức lao động và cũng mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư sản xuất. “Hành trồng 5 lứa/năm, giá bán 1 sào 10 triệu đồng, có khi 20 triệu đồng/sào là cao nhất. Tùy thời điểm giá cả thị trường biến động, nếu hợp đồng nơi cung cấp giống thu mua hành luôn thì có lúc giá bán 8 triệu đồng/sào; rồi có khi giá hạ 4 -5 triệu đồng/sào hành lá. Trồng hành lá bơm thuốc đỡ hơn cà chua nhiều. Với hành lá chỉ bơm thuốc nửa tiếng so với cà chua phải bơm thuốc mất nửa buổi”. Ma Khuê chia sẻ thực bụng về quyết tâm chuyển đổi cây trồng, lựa chọn hành lá để đầu tư: “Mới đầu trồng hành mình lo lo. Bây giờ quen rồi, không lo nữa. Thời tiết nắng mưa thất thường nên khó trồng hành vì sơ suất bỏ thuốc, bỏ phân 1 - 2 hôm là hành lụi hết nên phải chú ý. Hàng ngày mình bám vườn chứ không bỏ đi đâu được hết”.
Sau mỗi lứa hành, Ma Khuê nói rằng phải cày bừa kỹ càng lại đất, phơi ải đất trong vòng 1 tuần, phơi thêm 2 - 3 ngày đất, làm kỹ đánh luống để trồng tiếp. Ban đầu, chị lấy giống hành của nhà cung ứng và bán luôn sản phẩm cho họ đến thu mua tại vườn (cách này có ký hợp đồng); bây giờ, Ma Khuê đã chủ động được nguồn hành giống nên thu nhập bán sản phẩm cho tư thương với giá thành cao hơn. Cách nào thì sản phẩm hành của Ma Khuê cũng bán ngay tại vườn. “Lúc hành có giá thì mình nhổ sớm, khoảng 1 tháng rưỡi là thu hoạch”. Ma Khuê bảo rằng ở mảnh vườn này và ở lứa hành đợt này xấu, cho thu nhập thấp, không cao hơn so với trồng lúa nên chị chuyển sang trồng rau màu. “Trồng rau màu phát triển kinh tế cũng được, thu hoạch cao hơn lúa. Mức chăm bón rau màu nhiều hơn lúa, phân bón, thuốc men, công lao động chi phí nhiều” - chị nói.
Gia đình Ma Khuê có 3 con (2 gái, 1 trai), cháu lớn học lớp 6 và cháu nhỏ nhất mới 6 tháng tuổi. Dù còn trẻ, Ma Khuê đã thay đổi cách nghĩ, dám làm, không ngừng học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu trên chính mảnh đất của mình, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho bà con ở buôn làng Ka Đê.
Báo Lâm Đồng