“Homestay A Chu” của anh Tráng A Chu, dân tộc Mông ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, vừa mang phong cách hiện đại, độc đáo nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao Sơn La.
Tháng 10/2014, là sinh viên mới tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Tráng A Chu ao ước có một hướng đi riêng để cải thiện cuộc sống cho gia đình. Bởi lúc đó, gia đình anh chủ yếu trồng ngô, lúa, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thấp, tiền thu được không đủ bù chi phí giống và phân bón, cuộc sống rất vất vả. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, anh đã quyết định chọn hướng làm du lịch cộng đồng.
Lúc đầu, anh lấy lợi thế nhà ở cạnh nhà văn hóa bản để làm không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho du khách. Đầu tiên, anh vận động các hộ trong bản hiến đất làm đường từ Quốc lộ 6 vào đến nhà văn hóa. Đồng thời, nhờ chương trình nông thôn mới do xã Vân Hồ thực hiện theo chính sách Nhà nước hỗ trợ, nhân dân góp công, nên đã bê tông hóa được đoạn đường từ Quốc lộ 6 vào đến bản.
Với quyết tâm của bản thân, sự ủng hộ của gia đình, chính quyền địa phương cũng như được Ngân hàng Chính sách huyện cho vay vốn, đến tháng 9/2015, anh Tráng A Chu đã hoàn thành một ngôi nhà để đón khách với sự kết hợp giữa kiểu nhà của dân tộc Thái và kiểu nhà dân tộc Mông mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao Sơn La. Bước đầu đi vào hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng không vì thế mà bản thân anh và gia đình giảm đi ý chí về phát triển du lịch cộng đồng. Từ những lượt khách đầu tiên với sự đóng góp ý kiến của du khách, bạn bè, gia đình anh đã chỉnh sửa, hoàn thiện và ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Từ cách làm du lịch cộng đồng đúng hướng, thu nhập của gia đình anh đã ổn định hơn. Đến nay, thương hiệu “Homestay A Chu” được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến là điểm trải nghiệm về nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông nơi đây và ngày càng được nhiều du khách tin tưởng, sử dụng.
Ông Nguyễn Kỳ Nam, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến với Homestay A Chu, ông thấy rất đẹp và cảm giác rất thân thương. Đặc biệt, ông rất cảm phục chàng trai trẻ người dân tộc Mông nơi đây đã dám thay đổi cách nghĩ, cách làm của người Mông để giải quyết việc làm cho gia đình. Ông rất thích cách bày trí trong Homestay A Chu bởi vì nó rất ấm cúng.
Không chỉ tự tay chế biến và nấu những món ăn đặc sản của người Mông, vợ chồng Tráng A Chu cũng chính là những “diễn viên” trực tiếp tham gia vào đội văn nghệ, biểu diễn các tiết mục đặc sắc truyền thống của dân tộc mình phục vụ du khách thưởng thức.
“Tôi rất ấn tượng với mô hình Homestay A Chu, bởi ngoài cảm giác ấm cúng, thân thương, còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mông nơi đây”, ông Nguyễn Kỳ Nam chia sẻ.
Không chỉ là người dân tộc Mông đầu tiên ở Hua Tạt tiên phong phát triển du lịch cộng đồng, anh Tráng A Chu còn hướng dẫn, giúp các hộ trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này. Hiện nay, bản Hua Tạt đã có nhiều hộ làm du lịch homestay và thường xuyên chia sẻ khách cho nhau, nên đời sống của họ đã từng bước chuyển biến, đường bản sạch đẹp hơn.
Ông Đặng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Hồ thông tin: Homestay A Chu ở bản Hua Tạt là mô hình điển hình nhất hiện nay của xã Vân Hồ. Mô hình này không những mang lại thu nhập cao và ổn định cho gia đình anh Tráng A Chu, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Anh Tráng A Chu chia sẻ, bước sang năm thứ 6 làm du lịch cộng đồng, anh cảm thấy đây là một chặng đường dài và vất vả, bởi lúc đầu đồng bào dân tộc Mông rất khó chuyển đổi phong tục tập quán, lối sống. Nhưng nay, họ đã thay đổi cách nghĩ, biết làm, biết cùng nhau chia sẻ lợi ích từ nguồn khách du lịch và cuộc sống dần khá lên. Thu nhập từ du lịch cao hơn nhiều so với làm nương, làm rẫy. “Tôi nghĩ nếu làm tốt, thu hút được lượng khách nội địa vào mỗi dịp cuối tuần là đã có thu nhập và tạo được việc làm cho các thành viên trong gia đình có nguồn thu nhập ổn định”, anh Tráng A Chu bộc bạch.
Qua thời gian, lượng khách đến với Homestay A Chu ngày càng đông. Tính từ năm 2016 đến năm 2019, lượng khách đến bản Hua Tạt không ngừng tăng lên, với trên 18.000 lượt người nghỉ lưu trú; trong đó, gia đình anh Tráng A Chu đón khách nghỉ trên 10.000 lượt người và số còn lại ở các hộ khác trong bản. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, do dịch COVID-19,lượng khách đến nghỉ tại bản Hua Tạt cũng như gia đình anh Tráng A Chu giảm. Hiện nay, gia đình anh Tráng A Chu có hai nhà nghỉ cộng đồng, có thể đón trên 30 khách và các phòng: Suite, Deluxe, H’Mong Rock Bungalow, Villas Thái Six Sense Hua Tat để phục vụ du khách.
Ghi nhận những kết quả và sự đóng góp của anh trong phát triển du lịch, năm 2018, Homestay A Chu đã đạt Giải thưởng ASEAN của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là điểm du lịch sinh thái tiêu biểu. Anh Tráng A Chu được Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Sơn La tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên sáng tạo và khởi nghiệp. Năm 2019, anh được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen có nhiều thành tích đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La giai đoạn 2014-2019. Đặc biệt, năm 2020, anh là một trong những điển hình của tỉnh Sơn La dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Với phương châm phát triển du lịch nhưng không làm mất đi cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa của dân tộc, anh Tráng A Chu không những làm thay đổi cuộc sống gia đình mình, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cả cộng đồng. Anh không chỉ dám nghĩ, dám làm, khởi nghiệp thành công mô hình du lịch cộng đồng, mà còn tạo việc làm và làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Nguyễn Cường - Quang Quyết