Chấn chỉnh những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử tại lễ hội, nơi thờ tự

Chấn chỉnh những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử tại lễ hội, nơi thờ tự

* Tiền lẻ rải khắp nơi, hàng quán vây tứ bề 

Cụm đình – đền Bia Bà La Kê (quận Hà Đông) nổi tiếng linh thiêng, thu hút không chỉ người dân Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố khác. Bước chân vào sân đình – đền là ba cụm lư hương nghi ngút khói khiến không gian đặc quánh mùi khói hương. Không chỉ vậy, trong khu nội tự cũng đậm đặc khói do mỗi khách đến lễ đều cắm thêm một nén hương vào khay lễ phẩm. Bệ để lễ được Ban quản lý di tích thiết kế khá rộng có khả năng phục vụ rất nhiều khách đến lễ và lễ phẩm cũng được bày la liệt tại đây. Đặc biệt, tại di tích đình – đền Bia Bà La Khê từ lâu tồn tại đội ngũ cúng lễ thuê, có khách đến là họ mời chào và tiền cảm ơn thường tùy tâm khách. Mặc dù việc cúng lễ thuê do nhu cầu của khách nhưng tại chốn tâm linh tồn tại dịch vụ này là không phù hợp, nếu không muốn nói phản cảm. Hơn nữa, trong các khu nội tự dù đã có hòm công đức nhưng vẫn xuất hiện những hộp tôn nhỏ đặt ngay trên các ban thờ để khách đặt tiền giọt dầu. 

Đồ lễ bày lộn xộn tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: Đinh Thuận- TTXVN
Đồ lễ bày lộn xộn tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: Đinh Thuận- TTXVN

Cũng chưa có di tích nào tại Hà Nội mà hàng quán nhiều và lộn xộn như tại di tích đình – đền Bia Bà La Khê. Từ ngoài cổng, qua nghi môn là hàng loạt hàng quán bán đồ lễ, thậm chí hàng quán tràn cả vào sân di tích thuộc khu vực bảo tồn cấp 1 và ngay sân sau di tích cũng la liệt các quán bán hàng ăn. Tại khu vực trước cổng, biển “khu vực cấm bán hàng” dường như tồn tại một cách hình thức vì ngay tại đó là các hàng quán bao quanh. Tại một số gốc cây trong sân, năm nay tình trạng rắc gạo muối không nhiều như các năm trước nhưng vẫn còn hiện tượng này. Các bãi gửi xe tự phát nằm trong các gia đình xung quanh di tích mọc lên như nấm, thi nhau mời chào khách; giá gửi cũng cao gấp hai lần so với quy định. 

Phủ Tây Hồ là điểm tâm linh nổi tiếng của Hà Nội, thu hút hàng vạn khách thập phương đến lễ những ngày đầu năm. Bắt đầu từ cổng vào Phủ, đến sân di tích và trong khu nội tự đều chật kín người. Ban thờ trong phủ la liệt các khay lễ đặt chồng lên nhau, tiền lẻ rải khắp nơi từ bệ đặt lễ phía dưới, ban thờ phía trên đến chân tượng đều có. Người đứng, người ngồi khấn vái chen chúc nhau. Ngay tại các ban thờ ngoài sân phủ cũng rất đông người đứng khấn lễ. Mặc dù tại đây không có tình trạng đốt đồ mã lớn song đốt tiền vàng còn nhiều. 

* Trách nhiệm của các cấp quản lý 

Theo phân cấp, các di tích trên địa bàn Hà Nội đều được thành phố giao cho địa phương quản lý. Mỗi di tích đều có một Ban quản lý với sự tham gia của chính quyền cơ sở, các đoàn thể và những người quản lý di tích. Trước mỗi mùa lễ hội, các địa phương đều xây dựng kế hoạch với sự phân công trách nhiệm cụ thể, song ở nhiều nơi những bất cập vẫn diễn ra từ năm này qua năm khác. 

Khi được hỏi về những tồn tại ở đình – đền Bia Bà La Khê (Hà Đông), đại diện Ban quản lý di tích cho biết, việc thắp hương trong nội tự đã được Ban quản lý nhắc nhở nhiều, nhưng do ý thức người dân chưa cao nên tình trạng đó vẫn diễn ra. Về đội ngũ những người cúng lễ thuê, theo đại diện Ban quản lý, đó là do nhu cầu của người đến lễ cần người kêu cầu giúp nên cũng khó giải quyết. Tuy nhiên, đây là những lý do chưa thuyết phục và câu hỏi đặt ra đối với Ban quản lý di tích đình – đền Bia Bà La Khê vẫn là trách nhiệm quản lý, có hay không tình trạng buông lỏng, chưa quyết liệt? 

Còn tại Phủ Tây Hồ, Ban quản lý di tích chỉ cho người đến lễ thắp hương bên ngoài, không đưa vào nội tự, đồng thời bố trí người thường xuyên rút tỉa lư hương bên ngoài nên không có tình trạng nhiều hương khói. Tuy nhiên, do lượng người đến lễ đông, vẫn còn tình trạng đặt tiền lẻ tràn lan, không kịp thu gọn. 

Liên ngành thành phố Hà Nội đang kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội để kịp thời chấn chỉnh những bất cập. Mới đây, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động yêu cầu các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội tăng cường công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa và tổ chức lễ hội. Theo đó, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, đặc biệt trong các hoạt động lễ hội, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan hoặc các hành vi khác trái pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn hóa của dân tộc. Các địa phương, các ban quản lý di tích cần tổ chức các hoạt động dịch vụ, đặt tiền lễ, thắp hương, hóa sớ đúng quy định, hạn chế sử dụng vàng mã và tuyên truyền vận động nhân dân, phật tử loại bỏ sử dụng vàng mã trong di tích… 

Với một số điểm di tích còn tồn tại nhiều bất cập, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định sẽ cho kiểm tra, xử lý, đảm bảo văn minh nơi thờ tự./. 

                                                                                                           

Đinh Thuận 

 

Có thể bạn quan tâm