Thu hoạch mủ tại vườn cao su. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN. |
Tính đến nay sản phẩm cao su Phú Riềng đã xuất khẩu sang 42 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá sản phẩm cao su xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt mức bình quân 36,2 triệu đồng/tấn. Đây là giá thành chấp nhận được sau thời gian dài “lao dốc”.
Năm 2018, Cao su Phú Riềng phấn đấu khai thác trên 25.000 tấn, duy trì năng suất vườn cây bình quân đạt trên 2,2 tấn/ha; phấn đấu đạt doanh thu trên 1.514 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng, góp phần nộp ngân sách trên 110 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/người/tháng…
Hiện nay, hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO được Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng áp dụng từ năm 1999. Trong quá trình hoạt động, hệ thống ISO luôn được cải tiến, nâng cấp. ISO 9001:2015 và 14001:2015 là phiên bản mới nhất về chất lượng và môi trường mang lại lợi ích cho công ty thuộc các lĩnh vực kinh tế, thị trường, quản lý rủi ro, luật pháp, tạo cơ sở cho hoạt động chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Phát huy thành công đạt được, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020, sản lượng khai thác toàn công ty là 59.741 tấn, đạt 50% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra. Năng suất vườn cây bình quân năm 2017 là 2,35 tấn/ha, đạt 116,3% so với nghị quyết. Có 12 nông trường luôn đạt năng suất trên 2 tấn/ha.
Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam đã ghi nhận mảnh đất Phú Riềng là một địa chỉ đỏ với mốc son là sự ra đời của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 28/10/1929. Phong trào cách mạng kiên cường, anh dũng của trên 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đã nổi dậy, đấu tranh chống lại chế độ áp bức của thực dân Pháp, đòi dân sinh, đòi tự do, đòi độc lập.
Dương Chí Tưởng