Mở rộng diện tích trồng các cây đặc hữu gắn với chế biến là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025. Mặc dù rất nỗ lực nhưng địa phương này vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu mở rộng diện tích trồng mới cây hạt dẻ, thạch đen, mắc ca và trúc sào.
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Cao Bằng xác định mở rộng diện tích trồng một số cây trồng đặc hữu là cây lê, thạch đen, hạt dẻ, cây thuốc lá và các cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao là trúc sào, mác ca, quế, hồi.
Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới trồng mới được 160 ha cây hạt dẻ (đạt 22,8% kế hoạch); hơn 193 ha cây thạch đen (tương ứng 38,7% kế hoạch); trên 76 ha cây mắc ca (tương ứng 12,7%); khoảng trên 160 ha cây trúc sào (tương ứng 13,3% kế hoạch).
Trùng Khánh là huyện trồng nhiều cây hạt dẻ nhất tỉnh Cao Bằng. Theo nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh, Cao Bằng đặt mục tiêu mở rộng thêm 700 ha cây hạt dẻ trên địa bàn huyện Trùng Khánh và thành phố Cao Bằng. Đến tháng 6/2023, huyện Trùng Khánh mới trồng mới được hơn 159 ha (đạt trên 22,7% kế hoạch). Dự kiến, đến năm 2025, huyện Trùng Khánh không thể hoàn thành mục tiêu mở rộng diện tích trồng cây hạt dẻ theo kế hoạch đề ra.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh Hà Minh Hải cho biết, việc mở rộng diện tích dẻ ở huyện gặp khó khăn chủ yếu là người dân chưa có kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đặc biệt với cây hạt dẻ ghép, người dân chưa quan tâm tạo tán, tỉa cành để cây tập trung dinh dưỡng cho cành ghép. Hiện nay, cây hạt dẻ được trồng ở khu vực ven đồi, nương rẫy không có hệ thống tưới nước chủ động nên hiệu quả chưa cao...
Cùng với đó, nhiều hộ vẫn trồng cây hạt dẻ theo hướng tự phát, tự gieo ươm giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc chưa được cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Điều này dẫn đến, một số cây trồng sau nhiều năm không cho thu hoạch, hoặc chậm thu hoạch. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ trồng, sản xuất, tiêu thụ chưa đồng bộ khiến cho người dân chưa đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây hạt dẻ.
Trúc sào là cây lâm nghiệp mang lại thu nhập cao cho nông dân tỉnh Cao Bằng. Toàn tỉnh hiện có trên 4.354 ha trúc sào. Trúc sào được trồng chủ yếu ở huyện Nguyên Bình (trên 2.300 ha), huyện Bảo Lạc (trên 1.920 ha). Giai đoạn 2020-2025, tỉnh dự kiến trồng mới 1.200 ha trúc sào. Tuy nhiên đến hết nửa giai đoạn, diện tích trồng mới loại cây này mới đạt 13,3 % kế hoạch. Trong số đó, diện tích trồng mới cây trúc sào tại huyện Nguyên Bình là 87 ha, Bảo Lạc là 75 ha.
Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cây trúc sào được trồng được chủ yếu tại xã Huy Giáp, Đình Phùng và một số ít tại xã Hồng An, Xuân Trường, Hưng Đạo, Hưng Thịnh, Sơn Lộ, Sơn Lập (huyện Bảo Lạc). Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất để trồng trúc sào ở các địa phương này còn rất ít; những quy định về quản lý rừng cũng khiến cho việc khai phá để mở rộng diện tích trồng cây trúc sào gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cuộc sống chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn khiến người dân vùng cao chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây nông nghiệp ngắn ngày sang trồng cây trúc sào…
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Cao Bằng dành nguồn vốn ngân sách cho lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp trên 210 tỷ đồng; trong đó ngân sách cho trồng mới cây hạt dẻ là 1,7 tỷ đồng, thạch đen trên 16 tỷ đồng; cây trúc sào gần 1 tỷ đồng, cây mắc ca là 21 tỷ đồng… Mặc dù vậy, việc mở rộng diện tích trồng mới các loại cây này gặp khó khăn. Nguyên nhân là một số địa phương chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nội dung đột phá nông nghiệp. Việc bố trí kinh phí thực hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trình độ chuyên môn của cán bộ chuyên trách còn yếu, chưa đưa ra được các giải pháp để thúc đẩy thực hiện mở rộng diện tích cây đặc hữu. Cùng với đó, hiểu biết của người dân còn chưa cao dẫn đến sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự cung, tự cấp…
Cao Bằng có địa hình nhiều đồi, núi cao; quỹ đất trống để trồng cây trúc, mác ca nhỏ lẻ, rải rác, không liền vùng; xuất phát điểm kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, cũng là những nguyên nhân khiến cho tỉnh chưa hoàn thành mục tiêu mở rộng diện tích trồng mới cây dẻ, trúc sào, thạch đen, mắc ca.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thái Hà cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh tăng diện tích trồng mới các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; rà soát diện tích đất có thể phát triển lâm nghiệp để trồng tăng thêm cây hồi, quế, trúc sào và cây mắc ca.
Tỉnh cũng khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông minh, công nghệ cao vào sản xuất; tăng cường huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt và lâm nghiệp.
Chu Hiệu