Cao Bằng là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, nhiều đồi, núi, độ dốc cao. Toàn tỉnh có gần 100 điểm nguy cơ sạt lở, có thể gây thiệt hại về người và tài sản. Một số khu vực ven sông, suối, đồi núi có nguy cơ sạt lở bờ và taluy… Trước thực trạng này, các ngành chức năng của địa phương đang tiếp tục rà soát và có phương án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm đề phòng tai nạn xảy ra.
Huyện Hạ Lang có các khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá gồm: khu dân cư và đường giao thông nông thôn các xóm Bản Kha, Lỳ Luông (xã Thắng Lợi); xóm Lũng Cuốn, Ba Tăm, Khẻo Mèo (xã Quang Long); xóm Đông Nam, Khum Đin, Làn Lừa, Bắc Vọng (xã Vĩnh Quý). Để hạn chế thiệt hại khi xảy ra sạt lở, huyện đã chủ động triển các phương án phòng, chống, ứng phó.
Ông Triệu Văn Bao, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hạ Lang cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ dân hiện đang sinh sống tại dọc ven sông, suối, sườn đồi và các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Địa phương chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân. Diễn biến mưa, lũ được theo dõi chặt chẽ để kịp thời thông báo cho các khu dân cư đang sống dọc ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở…
Thành phố Cao Bằng là đô thị đang trên đà phát triển. Vì vậy, nhiều người dân, đơn vị khi xây dựng nhà, đường giao thông, các công trình hạ tầng phải thực hiện san gạt tạo mặt bằng, xây kè chắn đất… dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như sạt lở kè, đất. Hiện trên địa bàn thành phố có trên 25 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng Nguyễn Thị Huệ Chi cho biết, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân ở các địa điểm có nguy cơ sạt lở, thành phố đã tăng cường thông tin cảnh báo về những điểm nguy cơ mất an toàn cao; tổ chức khảo sát, đánh giá, kịp thời chỉ đạo các biện pháp phòng, chống và khắc phục. Các công trình dự án xây dựng hệ thống kè bờ sông, kè chống sạt lở cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công. Quá trình thi công phải đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân…
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, năm 2022, các vụ sạt lở đất, đá đã làm 142 ngôi nhà bị hư hỏng; 4 điểm trường, một trạm y tế bị ảnh hưởng. Các tuyến đường bị sạt lở taluy dương tổng khối lượng đất đá gần 200.000 m3; 318 m taluy âm, đổ gãy 160 m kè rọ đá; trên 93 tuyến đường xã bị xói, sạt lở… Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính gần 100 tỷ đồng.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng Ma Thị Huyền cho biết, tỉnh có gần 100 điểm có nguy cơ sạt lở. Huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, thành phố Cao Bằng là địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất, kè chắn đá.
Thời gian tới, Ban Chỉ huy đề nghị, các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh các phương án và chủ động phối hợp phòng, chống, ứng phó với sạt lở đất, đá; thông tin kịp thời diễn biến thời tiết, thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và thông báo, cảnh báo, hướng dẫn đến người dân biết để kịp thời ứng phó an toàn, hiệu quả.
Đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống sạt lở; xác định các trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố có thể xảy ra; có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp kịp thời các công trình bị hư hỏng, xuống cấp… Khi có nguy cơ sạt lở đất, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị tổ chức công tác ứng phó, rà soát số người sơ tán, kiểm tra an toàn nơi sơ tán đến; chủ động các biện pháp khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra...
Chu Hiệu