Thiên tai bất thường xảy ra thường xuyên
Nhằm chuẩn bị cho việc ứng phó với thiên tai khi bước vào mùa mưa bão, ngày 12/5 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh để đề ra các giải pháp phòng, chống thiên tai trong những tháng tới khi mùa mưa bão tới.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2016 tới nay, thiên tai đã làm 11 người chết, 41 người bị thương, hơn 475.000 hộ dân bị thiếu nước, 290.000 ha lúa, hoa màu và 161.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại. Hơn 19.000 gia súc và 44.000 gia cầm bị chết… Tổng thiệt hại lên tới trên 9.730 tỷ đồng (do rét 700 tỷ đồng, hạn mặn 8.906 tỷ đồng, 128 tỷ đồng do dông, lốc, sét), cao hơn mức tổng thiệt hại do thiên tai của cả năm 2015 (8.114 tỷ đồng).
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong các loại thiên tai thì mua lũ, lũ quét, mưa bão, sạt lở đất… gây thiệt hại về người lớn nhất. Thiên tai năm 2015 làm 154 người chết thì có tới 94 người chết do lũ, mưa lũ sau bão, 60 người chết do lốc, sét. Do vậy, các địa phương cần chú ý việc này trong việc xây dựng các biện pháp ứng phó với mưa lũ.
Cơn mưa lịch sử ở Quảng Ninh khiến nhiều nơi chìm trong nước lũ năm 2015.
Ảnh: Minh Quyết – TTXVN
|
Bên cạnh đó, tần xuất xuất hiện những hiện tượng thiên tai bất thường ngày càng thường xuyên hơn. Điển hình là vào tháng 6/2015, một trận dông lốc bất thường có sức gió cấp mạnh 8 - 9 xuất hiện tại Hà Nội khiến 2 người chết, 5 người bị thương. Đặc biệt là cuối tháng 7/015, Quảng Ninh đã chịu thiệt hại nặng nề do trận mưa lịch sử gây ra, khiến 17 người chết, 32 người bị thương, vỡ đường ống nước gây mất nước cho 2 thành phố Hạ Long và Cẩm Phả trong 15 ngày... tổng thiệt hại trên 2.700 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2015, hạn hán lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long…
Ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau đợt mưa lịch sử này địa phương đã rút ra được nhiều bài học. Đó là phải chủ động phòng chống, đối phó kịp thời, khẩn trương với mưa bão; Đẩy mạnh công tác dự báo và đi kèm với việc tuyên truyền, vận động người dân sơ tán để đảm bảo tính mạng; Chỉ đạo từ cấp tỉnh tới địa phương phải thông suốt, các công trình, hồ chứa phải được kiểm tra, rà soát trước mùa mưa lũ. Tỉnh cũng đang quy hoạch việc di dân tổng thể ra khỏi vùng nguy hiểm vào tháng 5/2016.
Phòng hơn chống
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nếu công tác phòng thiên tai được chuẩn bị tốt thì thiệt hại về người và tài sản sẽ giảm đi đáng kể. Điển hình là thiệt hại về người do thiên tai trong giai đoạn 2011 -2015 đã giảm đi một nửa so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Để chuẩn bị đối phó với mùa mưa lũ năm nay, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ này đang cùng 28 tỉnh xây dựng các kế hoạch để đối phó với mưa lũ, sơ tán người dân. Những khu vực nào có nguy cơ cao thì dứt khoát phải di dời ngay người dân ra khỏi đó. Một nguyên nhân nữa khiến thiệt hại về người thường xảy ra là việc qua lại các dòng sông, suối, lạch, ngầm… trong mùa mưa lũ. Do vậy, cần có kế hoạch bố trí người canh gác, hướng dẫn người dân để qua các điểm này an toàn.
Tuy nhiên, theo Trung tướng Phạm Văn Thử, Đại diện Bộ Công an, lực lượng an ninh còn mỏng nên rất khó giám sát hết được các vị trí qua sông, đò ngang, đò dọc. Do vậy, các tỉnh phải hướng dẫn, cảnh báo người dân không qua các khu vực này khi xảy ra bão lũ.
Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp nước sạch cho các thành phố, ông Phan Duy Thương, Phó Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ sẽ kiểm tra việc tiêu thoát nước ở các đô thị. Kiểm tra hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nước đô thị, cần có hai đường cấp nước để không xảy ra tình trạng mất nước sạch suốt nửa tháng liền như tại Quảng Ninh năm ngoái. Rà soát lại các bãi thải công nghiệp, kiểm tra các tháp truyền hình…
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, thiên tai, sự cố liên tục rình rập đòi hỏi chúng ta phải chủ động, ứng phó có hiệu quả. Trong khi công tác dự báo còn nhiều bất cập, bị động trước thiên tai, các địa phương phải chủ động ứng phó để giảm thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ, vì không đơn vị nào khắc phục nhanh bằng lực lượng này.
“Nên xây dựng các công trình công cộng gắn với việc phòng trú bão khi cần thiết. Bố trí lại dân cư ở các khu vực hay xảy ra sạt lở đất, tái định cư để giảm rủi ro cho người dân. Đặc biệt phải thực hiện nghiêm kết luận, chỉ đạo của Trung ương, kiện toàn ban chỉ đạo từ Trung ương xuống địa phương, phân rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong việc chủ động thực hiện nhiệm vụ. Như vậy mới giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Dự báo, đến giữa năm 2016 El Nino sẽ chấm dứt, khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện muộn và ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 12- 13 cơn/năm). Trong đó, sẽ có 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền, các cơn bão này sẽ tập trung vào những tháng cuối năm (tháng 8-11/2016). Về tình trạng nắng nóng, từ tháng 6-8/2016, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN từ 0,5-1 độ C. Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ tập trung trong giai đoạn cuối tháng 4 đến tháng 8/2016, nhưng mức độ không gay gắt như các đợt nắng nóng trong năm 2015. |
“Những thách thức đối với Việt Nam liên quan tới biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng. Do vậy, phải tích cực hơn trong công tác chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với các tình huống thiên tai xảy ra. Công tác dự phòng cũng rất quan trọng, để nâng cao nhận thức của người dân về thiên tai. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ, huy động các nguồn lực để xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết, trang thiết bị, năng lực bộ máy tham mưu, chỉ đạo công tác để ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát
|
Báo Tin Tức