Mô hình camera an ninh được lắp đặt tại đường làng ngõ xóm và những trục đường chính của vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang phát huy hiệu quả thiết thực. Mô hình này đã góp phần hạn chế lượng thanh thiếu niên phạm tội, phòng, chống vi phạm pháp luật trong cộng đồng, bên cạnh đó những tư liệu được camera ghi lại còn phục vụ đắc lực cho công tác phòng, ngừa, đấu tranh với tội phạm xã hội.
Công an thành phố Pleiku quan sát camera giám sát an ninh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Theo Đại tá Lê Quang Trung, Trưởng Công an huyện Phú Thiện, tháng 7/2021, Công an xã Ia Hiao đã tham mưu xây dựng mô hình camera giám sát an ninh phục vụ trong công tác xây dựng xã điển hình phòng, chống thanh thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật, đồng thời phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, xã Ia Hiao đã lắp đặt được 7 mắt camera. Từ khi triển khai thực hiện, mô hình camera giám sát an ninh này đã đạt được hiệu quả cao, từ đó, mô hình đã được nhân rộng ra toàn bộ 10/10 xã góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện Phú Thiện.
Theo báo cáo của Công an huyện Phú Thiện, sau một năm thực hiện nhân rộng mô hình camera giám sát an ninh có 82 mắt camera được lắp đặt trên địa bản 10/10 xã, thị trấn (thị trấn Phú Thiện 10 mắt; la Peng: 8 mắt; Chrôhponan: 10 mắt: Ayun hạ: 8 mắt; Ia Piar: 7 mắt, la Yeng: 4 mắt; la Sol: 10 mắt; Ia Hiao: 25 mắt) với kinh phí xã hội hóa gần 600 triệu đồng. Các camera này được lắp đặt tại điểm ngã 3, ngã 4 trên trục đường liên thôn, xã kết nối Quốc lộ 25 có đông người, phương tiện qua lại, tại các điểm dân cư đông; các khu vực có phức tạp về an ninh trật tự nhằm góp phần nâng cao ý thức người dân, hạn chế được nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại các thôn, làng.
Mô hình camera giám sát an ninh hỗ trợ đắc lực cho lực lượng Công an xã la Sol, huyện Phú Thiện trong đảm bảo an ninh trật tự tại các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Chị Kpă H'Ba, làng Plei Tăng A, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện cho biết, trước đây, trong làng thường xảy ra các vụ trộm cắp vặt, nhất là nạn trộm chó, rồi nhiều thanh niên tổ chức đua xe, đánh nhau khi người dân báo công an đến thì chúng đã bỏ trốn rồi. Từ khi có camera giám sát, lực lượng Công an chủ động hơn trong công tác đảm bảo an ninh buôn, làng kiểm soát tốt hơn các vụ việc vi phạm pháp luật. Ngoài ra, khi thấy có camera giám sát, các đối tượng trộm cắp cũng không dám manh động như trước. Khi có các vụ việc xảy ra trên địa bàn, người dân đã phối hợp tốt hơn với lực lượng Công an nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn một năm qua đã tốt hơn trước rất nhiều, bà con rất vui khi có mô hình camera này và cũng đồng tình đóng góp, hỗ trợ thêm kinh phí nếu lắp đặt thêm các địa điểm khác trong xã để bảo vệ an ninh chung cho xã hội.
Cùng với hệ thống camera được triển khai từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thời gian qua, hàng ngàn camera do người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đóng góp kinh phí để lắp đặt trên nhiều tuyến đường trọng yếu đã giúp chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng trong tỉnh thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Hình ảnh ghi trực tiếp 24/24h trong ngày được truyền và lưu giữ trong hệ thống dữ liệu được đặt tại trụ sở Công an huyện, thành phố, tỉnh cũng như UBND các xã, thị trấn. Nhiều sự vụ gây rối trật tự công cộng, đua xe, trộm cắp, tai nạn giao thông đã bị lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nhanh chóng.
Thiếu tá Đinh Văn Huy, Phó trưởng Công an phường Thống Nhất, thành phố Pleiku cho hay, mô hình “Camera an ninh phố phường” đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng Công an trong công tác nắm bắt tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Từ đầu năm 2022 đến nay, thông qua trích xuất hình ảnh từ hệ thống camera an ninh, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an điều tra, xử lý 3 vụ với 4 đối tượng trộm cắp tài sản, 1 vụ cướp giật tài sản, 1 vụ tai nạn giao thông; kịp thời giải tán 3 vụ với 18 đối tượng tụ tập gây rối đánh nhau. Đặc biệt, từ khi triển khai mô hình này, tình hình trật tự tại các tuyến đường, khu dân cư, chợ cũng được đảm bảo hơn.
"Ngoài ra, trên địa bàn phường có hơn 100 ha cà phê của người dân. Trước đây, do khu vực trồng trọt rộng lớn nên việc bảo vệ nông sản trong mùa thu hoạch gặp khó khăn, các đối tượng ngoài địa phương thường vào trộm cắp cà phê và các tài sản khác gây bức xúc trong dân. Từ khi có các camera giám sát an ninh đã hỗ trợ chính quyền địa phương cũng như người dân an tâm hơn trong sản xuất, vụ mùa năm ngoái người dân trong tổ không bị mất trong quá trình thu hoạch, phơi và chế biến cà phê nữa" - Thiếu tá Đinh Văn Huy cho hay.
Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường các vụ việc gây rối trật tự công cộng qua theo dõi camera giám sát an ninh. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN
Cũng là một địa phương có tình hình an ninh trật tự ổn định hơn từ khi lắp đặt mô hình camera giám sát an ninh trên địa bàn, ông Lê Mộng Thảo, Chủ tịch UBND xã Hneng, huyện Đăk Đoa cho biết, sau khi vận động nguồn xã hội hóa, UBND xã bố trí kinh phí để tiến hành lắp đặt camera, chi trả tiền điện và mạng wifi. Mô hình thật sự phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng tại những khu vực tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, phức tạp về an ninh trật tự, góp phần quan trọng trong việc đấu tranh đẩy lùi các loại tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Với những "mắt thần" - mô hình camera giám sát an ninh trên các đường làng, ngõ xóm, trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng trong việc ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Được sự đồng tình ủng hộ của người dân, ngoài nguồn tài chính ngân sách, bà con cũng rất sẵn lòng đóng góp kinh phí lắp đặt thêm camera tại các điểm nóng để góp phần đảm bảo an ninh trật tự cho toàn xã hội.
Hồng Điệp