Sau mỗi buổi học trên lớp, các thầy cô và các em học sinh bán trú đi dọn cỏ trong vườn. Ảnh: Đinh Đức Tưởng - TTXVN |
Cách trung tâm huyện Văn Yên khoảng 60 km, năm học 2018-2019, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên có 712 học sinh, trong đó có 258 học sinh ở bán trú tại hai điểm trường. Điểm trường trung tâm xã có 200 em học sinh bán trú, điểm trường tại thôn Nghĩa Giang có 58 em. Hầu hết học sinh ở đây là người dân tộc thiểu số.
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng các em rất thích ở lại trường vì có nhiều thời gian học, được ăn ngon hơn, có nhiều bạn bè và được thầy cô chăm sóc rất chu đáo. Em Vàng Seo Thành, học sinh lớp 5 chia sẻ, em thích ở trường hơn vì có nhiều bạn bè và không phải đi xa. Trước đây, khi còn học ở điểm trường lẻ, em thường xuyên nghỉ học bởi trời mưa rét là ngại, từ khi ở bán trú em không nghỉ buổi học nào.
Thầy Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Lang Thíp kiểm tra các em bán trú trước giờ đi ngủ. Ảnh: Đinh Đức Tưởng – TTXVN |
Thầy Nguyễn Bá Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp cho biết, việc tổ chức ăn, ở tập trung tại trường cho học sinh bán trú đã nâng cao tính chuyên cần và ý thức tự học của các em. Số học sinh bỏ học giữa chừng ngày càng giảm. Bên cạnh đó, học sinh có nhiều thời gian tự học, thầy cô có nhiều thời gian quan tâm, kèm cặp học sinh. Từ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường ngày được nâng lên.
Các em học sinh bán trú ôn bài trước khi đi ngủ. Ảnh: Đinh Đức Tưởng – TTXVN |
Các thầy, cô giáo ở đây đã nhiều năm gắn bó với học sinh vùng cao, các em từ những thôn, bản xa như Bùn Dạo, Đam 1, Đam 2, Thíp Dao… đến theo học. Những học sinh lớp 1 chỉ mới 6 tuổi mà đã phải xa gia đình nên các em còn bỡ ngỡ, chưa tự lo cho bản thân. Để phụ huynh học sinh yên tâm gửi con ở trường, các thầy, cô giáo thay nhau hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, chăm lo cho các em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Thời gian các thầy cô dành cho học sinh còn nhiều hơn thời gian dành cho gia đình. Đã 15 năm gắn bó với học sinh vùng cao, cô giáo Nguyễn Thị Mỵ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp cho biết, đối với học sinh bán trú, giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn phải chăm sóc, dạy các em sinh hoạt hàng ngày. Dù có vất vả nhưng nhìn thấy học sinh trưởng thành, thầy cô nào cũng vui.
Sau mỗi buổi học trên lớp, thầy trò cùng nhau chăm sóc vườn rau. Ảnh: Đinh Đức Tưởng – TTXVN |
Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở số 2 xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên nằm giữa núi rừng, xung quanh là rừng núi âm u và vách đá. Ngôi trường này rất đẹp và thân thiện bởi phòng học được xây dựng khang trang cùng với một thư viện ngoài trời nhiều sách và truyện hay những góc công viên nhỏ. Năm học 2018 – 2019, toàn trường có 418 học sinh là người dân tộc Mông, trong đó có trên 80 học sinh bán trú. Khu vực nhà bán trú gồm 4 phòng ở rất sạch sẽ, các cặp lồng đựng cơm và thức ăn được xếp ngay ngắn, tủ lạnh, tủ ga nấu cơm, tủ bảo quản và tủ lưu mẫu thức ăn, được sắp xếp ngăn nắp. Thầy Nguyễn Minh Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở số 2 xã Hồng Ca chia sẻ tất cả những dụng cụ này đều được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa.
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ tắm cho học sinh bán trú. Ảnh: Đinh Đức Tưởng - TTXVN |
Hầu hết các trường có học sinh bán trú của tỉnh Yên Bái sau mỗi buổi học thường tổ chức múa hát tại sân trường, tập võ truyền thống hoặc tập thể dục. Các thầy cô cùng học sinh trồng rau, nuôi gà, vịt, nuôi lợn để cung cấp thêm thực phẩm sạch vào khẩu phần ăn hàng ngày. Thông qua các hoạt động này thầy cô hướng dẫn học sinh các kỹ năng sống. Sau giờ ăn, từ 19 giờ - 21 giờ, các thầy cô giáo lại giúp các em ôn bài.
Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên cho biết thời gian qua, công tác tổ chức ăn, ở tập trung tại trường cho học sinh bán trú trên địa bàn huyện đã được đông đảo phụ huynh, học sinh ủng hộ. Để chăm lo tốt hơn cho các em học sinh, ngành Giáo dục Văn Yên mong muốn chính quyền các cấp, cần có sự quan tâm đầu tư, xây dựng hơn nữa về cơ sở vật chất cho các trường có học sinh bán trú.
Đinh Thùy