Các hoạt động tháng 7 với chủ đề “Mùa hè trong em” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Đồng bào dân tộc Khmer giới thiệu đến du khách điệu múa truyền thống. Ảnh: Hoàng Tâm
Đồng bào dân tộc Khmer giới thiệu đến du khách điệu múa truyền thống. Ảnh: Hoàng Tâm

Từ ngày 1-31/7/2020 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 7 với chủ đề “Mùa hè trong em”, với các hoạt động thiết thực, bổ ích, ý nghĩa, đề cao vai trò trách nhiệm với cộng đồng, nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào và hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Hoạt động tháng 7 với sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Cơ Tu, Bahnar, Xơ Đăng, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 12 địa phương, các nghệ nhân đồng bào dân tộc Chăm làng gốm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận và sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. 

Chương trình điểm nhấn trong các hoạt động chủ đề “Mùa hè trong em” là “Tuổi thơ của chúng em”. Đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại làng tham gia các trò chơi dân gian truyền thống dân tộc: Ném pao, đánh yến, đánh tu lu của dân tộc Mông, đẩy gậy của dân tộc Mường, tó má lẹ của dân tộc Thái, ném vòng dân tộc Cơ Tu…

Ban Tổ chức sẽ trưng bày giới thiệu các hoạt động trẻ thơ tại Làng với hình ảnh của các hoạt động ấn tượng mùa hè năm 2016, 2017, 2018, 2019: Cuộc thi viết chữ đẹp “Nét đẹp, nết người”; Cuộc thi vẽ tranh “Em yêu làng em”; Cuộc thi “Một hành động nhỏ với rác thải nhựa lớn” và một số trò chơi dân gian của trẻ em như chơi ô ăn quan, đánh chắt chơi chuyền… Ngoài ra còn tổ chức không gian đọc sách, truyện cho thiếu nhi và du khách. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy về phong trào “chống rác thải nhựa” từ cảm hứng các tác phẩm được giải năm 2019 và lan tỏa phong trào năm 2020 cùng nhau giữ gìn môi trường xanh tại “ngôi nhà chung”, đẩy mạnh phong trào “làng bản văn hóa xanh - sạch - đẹp”…

Các hoạt động tháng 7 với chủ đề “Mùa hè trong em” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam  ảnh 1Đồng bào dân tộc Khmer giới thiệu đến du khách điệu múa truyền thống. Ảnh: Hoàng Tâm

Các hoạt động theo chuyên đề “Giai điệu từ đất” sẽ trình diễn giới thiệu hành trình của Gốm với làng nghề gốm Bàu Trúc của tỉnh Ninh Thuận: Bàu Trúc là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo. Gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm ấm bàn tay con người nhất với nét văn hóa Chăm đặc trưng không lẫn vào gốm nơi khác. Hoa văn trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc mang đậm nét văn hóa Chăm Pa như là những hình sông nước, chấm vỏ sò, hoa văn móng tay,…có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám xen lẫn những vệt nâu đặc trưng, có tính “độc bản”. Các sản phẩm luôn có sự khác biệt riêng bởi mỗi sản phẩm tạo ra nó có cái hồn riêng lưu lại từ quá trình nung đất cho đến những nét hoa văn. Đó chính là yếu tố quan trọng trong nghề làm gốm của người Chăm từ xưa cho đến bây giờ và mai sau. Đặc biệt, giới thiệu các qui trình làm gốm của các nghệ nhân đồng bào dân tộc Chăm từ khâu chọn đất, làm đất, nặn, xoay bàn xoay…nung gốm và các sản phẩm đặc trưng của gốm Bàu Trúc. Du khách trải nghiệm và thao tác cùng với các nghệ nhân đồng bào dân tộc Chăm.

Các hoạt động tháng 7 với chủ đề “Mùa hè trong em” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam  ảnh 2Bức Hải đồ Việt Nam có tọa độ các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa được trao tặng và trưng bày, giới thiệu tại không gian " Biển đảo trong lòng đồng bào dân tộc"tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Tâm 

Các nghệ nhân  đồng bào dân tộc Chăm (làng Gốm Bàu Trúc) sẽ trình diễn âm nhạc dân tộc “Tình làng gốm - nơi đất nở hoa”. Du khách sẽ ngạc nhiên bởi tình yêu âm nhạc dân tộc Chăm của các nghệ nhân làm nghề gốm. Một không gian âm nhạc dẫn dắt người nghe đến với nền văn hóa Chăm giàu đẹp và một tình yêu cháy bỏng cho quê hương và dân tộc với những bài hát về làng Chăm, về tình làng gốm, tiếng trống paranưng… sẽ tạo nên âm nhạc đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm và một số điệu múa đền tháp.

Vào các dịp cuối tuần sẽ có Chương trình ca múa nhạc “Mùa hè yêu thương” do sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc biểu diễn; Tổ chức Lễ dâng y tắm mưa hay còn gọi là Lễ nhập hạ của đồng bào Khmer. Lễ hội có từ thời Đức Phật còn tại thế, trước khi Chư tăng nhập hạ an cư trong 3 tháng mùa mưa được phép thọ nhận “Y tắm mưa” để sử dụng trong thời gian ở hạ. Vào ngày lễ này các gia đình phật tử tập trung tại chùa dâng cúng đến chư tăng các thứ vật dụng cần thiết và lễ vật không thể thiếu là những cây đèn cầy to được các phật tử dâng đến chùa để thắp liên tục trong 03 tháng nhập hạ, ngày này đánh dấu thời điểm an cư bắt đầu tại một ngôi chùa. Các phật tử tại chùa Khmer chuẩn bị dâng các vật dụng cần thiết cho các sư trong mùa an cư kiết hạ, mong cầu một mùa an cư bình an.

Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Hoàng Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm