Các hoạt động tháng 6 với chủ đề “Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc Việt Nam” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1 đến 30/6, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa tháng 6 với chủ đề “Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc Việt Nam” nhằm tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn sâu sắc của Gia đình Việt Nam, khuyến khích động viên các gia đình hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc góp phần xây dựng và hoàn thiện “hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong tình hình mới” và góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, sự cố kết vững chắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Hoạt động tháng 6 có sự tham gia của gần 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xê Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) và đồng bào dân tộc Giẻ Triêng đến từ tỉnh Kon Tum nhằm giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

Hoạt động sự kiện “Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc Việt Nam” với điểm nhấn Ngày hội gia đình tại “Ngôi nhà chung” là dịp gặp gỡ, thắt chặt mối thân tình và cũng là cơ hội để mỗi gia đình nhỏ được gắn kết với đại gia đình “Ngôi nhà chung”.

z5499094614840_23990ef032c4953d909eae35582e1991.jpg
Bà con đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với điệu múa xoang và biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Hoàng Tâm

Đồng bào dân tộc Giẻ Triêng đến từ tỉnh Kon Tum sẽ giới thiệu văn hoá truyền thống “Sắc màu văn hoá dân tộc Giẻ Triêng tỉnh Kon Tum” với hoạt động Tái hiện Lễ cưới của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng.

Đồng bào dân tộc Giẻ Triêng có chế độ hôn nhân một vợ, một chồng bền vững. Phong tục cưới xin còn nhiều nét nguyên sơ nhưng giàu tính nhân văn và mang đậm nét đẹp văn hóa tộc người. Đối với đồng bào dân tộc Giẻ Triêng thì những bó củi hứa hôn chính là lễ vật cô gái mang về nhà chồng. Sau phần chứng kiến nghi thức cưới theo phong tục truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng là các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống như múa xoang, cồng chiêng, các nghề thủ công truyền thống dệt vải… và ẩm thực độc đáo.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sẽ tổ chức chương trình dân ca dân vũ “Mừng vui ngày hội gia đình”. Thông qua những tiết mục văn nghệ, dân ca, dân vũ, những người anh em đồng bào dân tộc Xê Đăng, Bahnar, Tà Ôi, Cơ Tu, Gia Rai, Raglai, Ê Đê đang hoạt động hằng ngày tại Làng giao lưu cùng đồng bào Giẻ Triêng sẽ cùng cảm nhận không khí thân tình, bền chặt, gắn kết từ mỗi nếp nhà, mỗi gia đình trong gia đình lớn “Ngôi nhà chung”.

z5499094873261_b75725c1ca9b3c1652f14ef68ed55d5c.jpg
Đồng bào dân tộc Cor biểu diễn Đấu chiêng. Ảnh: Hoàng Tâm

Ngoài ra còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu ảnh “Khoảnh khắc sum vầy”; Hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống với các trò chơi dân gian tập thể, văn hóa dân tộc; truyền dạy, giới thiệu về nhạc cụ dân tộc; Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường, Thái; gà nướng… của dân tộc Dao; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao…của dân tộc Ê Đê; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi…của dân tộc Tày, Nùng… và các hoạt động khác như hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam….

z5499095927367_e8281d2a8848ff0c4beaef39ee041374.jpg
Du khách tham gia trò chơi nhảy sạp cùng bà con. Ảnh: Hoàng Tâm

Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Hoàng Tâm

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm