Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho lãnh đạo huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN |
Bình quân các xã trên cả nước đạt 15,26 tiêu chí và không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Không chỉ vậy, 8 chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cũng đã đạt và vượt kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 như: tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội, tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất và các tiêu chí về văn hoá - xã hội - môi trường... Hiện nay, các địa phương trên cả nước tiếp tục phát triển thành quả và giá trị của nông thôn mới, vì mục tiêu nâng cao đời sống người dân nông thôn. Nhiều địa phương đã có nhiều sáng kiến quan trọng triển khai như xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Tĩnh; xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn, bản để phù hợp với nguồn lực đầu tư và tập quán sinh hoạt của người dân (ở Thanh Hoá, Nghệ An); khai thác tiềm năng du lịch nông thôn (Lai Châu và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc)... Sau khi triển khai Đề án hỗ trợ thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 762 thôn, bản được UBND của các tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 43 địa phương ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 15 địa phương ban hành tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu... Đáng chú ý, đến nay, nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới đã được xử lý dứt điểm và hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2016/QH14. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chương trình của một số địa phương, vùng còn chậm và thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của cả nước. Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Cụ thể, Vùng đồng bằng sông Hồng (82,74%), Đông Nam Bộ (70%), miền núi phía Bắc (26,45%), Tây Nguyên (37,73%), Đồng bằng sông Cửu Long (42,77%), duyên hải Nam Trung Bộ (45,82%). Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn chậm. Đến hết tháng 6/2019, tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%; trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt khoảng 24% so với kế hoạch. Cũng theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát từng tiêu chí để có kế hoạch, lộ trình thực hiện theo các mục tiêu tại Quyết định 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, đẩy nhanh và triển khai hiệu quả 11 nội dung thành phần của Chương trình, phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 đảm bảo chất lượng và bền vững Các ngành chức năng tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đặc thù, Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn; sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng hàng nông sản Việt Nam hiện đại”. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất một số cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình giai đoạn sau năm 2020; chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn thực hiện các Đề án phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy tối đa lợi thế của địa phương. Ngoài ra, tập trung chỉ đạo các địa phương (huyện, xã) tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn; trong đó, phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí trực tiếp liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân như: sản xuất, môi trường, văn hoá và an ninh trật tự... Song song với đó, các cơ quan chức năng đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 (bao gồm nguồn vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được giao)...
Thành Trung