Đại diện Công an tỉnh Cà Mau đọc báo cáo tình trạng cho vay tín dụng đen tại một số địa phương. Ảnh: Huỳnh Thế Anh – TTXVN |
Theo thông tin của các cơ quan báo chí, trước đó tại các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Thới Bình và thành phố Cà Mau không chỉ những người nghèo, ngay cả nhiều người có tiền cũng đã "trắng tay" vì tín dụng đen. Hình thức cho vay chủ yếu bằng việc ràng buộc con nợ bởi một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá trị chưa bằng 1/4 giá trị thật. Song song đó là một hợp đồng tính lãi suất khống, chỉ cần con nợ trả trễ khoảng 2 tháng sẽ bị chủ nợ sang tên đổi chủ sổ đỏ. Với các hình thức như cho vay nặng lãi núp bóng bán chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chơi hụi, hay vay nợ đáo hạn ngân hàng… nhiều nông dân đã rơi vào cảnh "trắng tay" khi không có tiền trả nợ.
Theo cơ quan công an, đối tượng cho vay chủ yếu là Nguyễn Thị Bé Tám sinh năm 1960 ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước và Châu Hoàng Dũng, ngụ thành phố Cà Mau. Tuy nhiên, các hình thức cho vay với mức lãi suất chưa đến mức cho vay nặng lãi, do đó để xác định có tính chất chuyên nghiệp, lừa đảo và sử dụng xã hội đen để thu hồi nợ hay không để lấy căn cứ xử lý hình sự, cần phải điều tra bổ sung.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xác minh cụ thể những đối tượng mà quần chúng cung cấp; xem xét cụ thể từng trường hợp, nếu thấy có dấu hiệu phạm pháp thì xử lý hình sự. Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau tạm dừng thi hành án những vụ án tài sản, đất đai có liên quan đến các đối tượng đã xác định có dấu hiệu chuyên cho vay bằng hình thức hợp đồng giả cách. Cơ quan Tòa án rà soát lại những vụ án dân sự, tranh chấp quyền sử dụng đất có liên quan đến các đối tượng đang điều tra cụ thể từng vụ việc, nếu xét thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển ngay cho cơ quan công an xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chủ trì buổi họp. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN |
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng, cơ quan báo đài trong tỉnh tổ chức tuyên truyền về pháp luật, tín dụng, cho vay và đi vay để người dân hiểu về các thủ đoạn cho vay nặng lãi, không phải rơi vào tình trạng vay với lãi suất cao, bị lừa đảo đến mất tài sản. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cần kiểm tra và chấn chỉnh công tác công chứng của các cơ quan công chứng trên địa bàn, tránh những sơ hở hoặc bị lợi dụng công chứng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân; đơn vị công chứng nào vi phạm phải chấn chỉnh, xử lý ngay. Đối với Ngân hàng nhà nước tỉnh và chính quyền địa phương cần rà soát lại tất cả các đối tượng chính sách trên địa bàn, nếu có nhu cầu về vốn để kinh doanh, học tập... phải tích cực tạo điều kiện cho họ được hưởng các chế độ chính sách về vốn vay của Chính phủ.../.