Cà Mau hình thành nhiều vùng nuôi tôm. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN |
Những năm đầu triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau, diện tích ao nuôi và sản lượng tôm tăng mạnh. Tuy nhiên, vấn đề quan ngại đó là môi trường bị ô nhiễm đến mức báo động do tình trạng nuôi tôm tự phát nằm ngoài vùng quy hoạch. Nhiều hộ dân chưa quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải mà chủ yếu xả nước thải nuôi tôm trực tiếp ra sông, rạch làm ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất trong vùng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến tôm xuất khẩu, tỉnh khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình nuôi tôm có hiệu quả, song phải tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, an toàn trong sử dụng điện. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo cấp cấp, các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Công văn số 735 ngày 16/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác chỉ đạo nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; Quyết định số 1874 ngày 10/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Công văn số 9978 ngày 19/12/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp phát triến nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân tuân thủ tốt các quy định của Chủ tịch UBND tỉnh về nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh gắn với việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn về sử dụng điện... Các sở, ngành, đơn vị có liên quan chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm về lĩnh vực môi trường. Đặc biệt, cơ quan chức năng thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc hộ dân khắc phục công trình nuôi chưa đảm bảo điều kiện, theo đúng nội dung và thời gian đã cam kết. Nếu hộ dân không hội đủ các điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh theo quy định của UBND tỉnh thì vận động họ chuyển sang mô hình nuôi phù hợp khác. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tích cực phổ biến phương pháp thu gom nước bùn, chất thải tại hố chứa chất thải xi phông, nhằm đảm bảo việc xử lý chất thải, nước thải đạt hiệu quả. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng rà soát, hoàn thiện quy trình chuẩn về xử lý chất thải, nước thải trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đế triến khai hướng dẫn hộ dân áp dụng có hiệu quả.
Kim Há