Cà Mau: Phát triển kinh tế lâm nghiệp xứng tầm

Cà Mau: Phát triển kinh tế lâm nghiệp xứng tầm

Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lên đến 143.683 ha, với 3 hệ sinh thái mặn, ngọt và rừng trên đảo vô cùng phong phú. Trong những năm gần đây, bên cạnh phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh cả về đất đai lẫn lao động để phát triển kinh tế lâm nghiệp, Cà Mau đã đẩy mạnh các hình thức chuyển đổi sản xuất, từ giống cây trồng đến hình thức canh tác, chế biến lâm sản, nuôi trồng dưới tán rừng, tận dụng hệ sinh thái rừng để phát triển du lịch…, từng bước thay đổi đời sống của người dân vùng đất cực Nam.

Cà Mau: Phát triển kinh tế lâm nghiệp xứng tầm ảnh 1Mô hình trồng keo lai giống của gia đình anh Trương Trọng Nguyễn tại xã Khánh Bình Tây Bắc (Trần Văn Thời, Cà Mau). Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Nhiều tiềm năng dần được khai phá

Năm 2009, khu vực U Minh Hạ bắt đầu thực hiện chuyển đổi một phần diện tích rừng tràm sang trồng keo lai bằng phương pháp lên liếp trồng rừng tập trung, diện tích trồng keo lai đã tăng nhanh qua từng năm. Hiện nay, tại Công ty THHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đang quản lý 23.966 ha. Diện tích quy hoạch trồng rừng trên 19.400 ha. Ngoài loài cây tràm bản địa, khu vực rừng tràm đã nhập ngoại cây keo lai và tràm Úc. Diện tích rừng keo lai trên lâm phần công ty 5.924 ha chiếm 32%, năng suất bình quân khoảng 160 -180 m3, giá trị từ 140-160 triệu đồng/ha; tràm thâm canh diện tích 7.622 ha, chiếm 40%, năng suất bình quân khoảng 120 - 150 m3, giá trị từ 60 - 80 triệu đồng/ha; tràm quảng canh 2.243 ha, chiếm 12%, năng suất bình quân khoảng 50 - 70 m3, giá trị từ 40 - 60 triệu đồng/ha.

Ông Trần Ngọc Thảo - Giám đốc Công ty THHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cho biết, việc phát triển trồng rừng thâm canh đã đáp ứng được nguyện vọng của người kinh doanh rừng, qua đó đã tăng về khối lượng trên một đơn vị diện tích, tăng gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây.

Cà Mau: Phát triển kinh tế lâm nghiệp xứng tầm ảnh 2Thu mua gỗ rừng tràm tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Đối với khu vực rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng - tôm kết hợp bền vững và giảm phát thải có chứng nhận quốc tế được Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) hỗ trợ xây dựng từ năm 2013. Đến nay đã có 4.159 hộ với diện tích 21.937 ha, có chứng nhận rừng - tôm bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp chế biến thủy sản chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với mức bình quân 500.000 đồng/ha/năm khi mua tôm nuôi từ diện tích rừng này.

Ông Lâm Ngọc Kiên, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi khẳng định, đây là hướng đi mới, thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Ngọc Hiển. Mô hình phát triển rừng kết hợp rừng - tôm là hướng đi thiết thực trong tình hình hiện nay. Qua đó không chỉ giúp cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà còn tích cực tham gia quản lý tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thích ứng với biển đổi khí hậu.

Liên quan vấn đề này, ông Lưu Tấn Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển cho biết thêm, diện tích rừng của đơn vị có sự phối hợp với Công ty Camimex thu mua tôm nguyên liệu dưới tán rừng và thực hiện chi trả dịch vụ rừng khi được chứng nhận mô hình tôm - rừng sinh thái với số 1.633 hộ tham gia trên 9.400 ha.

“Thực tế này đã tạo điều kiện tốt cho việc xây dựng mô hình rừng - tôm kết hợp với bảo vệ rừng có hiệu quả. Mô hình đang được nhân rộng và phát triển trên lâm phần. Việc bảo vệ rừng, trồng rừng đi vào nề nếp hơn, khai thác rừng thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững được cấp thẩm quyền phê duyệt”, ông Hùng phần khởi nói.

Bên cạnh đó, nhằm phát huy tối đa các giá trị mà thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Cà Mau đã quan tâm phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Có thể kể đến các hoạt động du lịch nổi bật hiện nay như: khai thác tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau, triển khai thực hiện Đề án Làng văn hóa du lịch Đất Mũi, khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn Quốc gia U Minh hạ gắn với trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân dưới tán rừng…

Cà Mau: Phát triển kinh tế lâm nghiệp xứng tầm ảnh 3Du khách trải nghiệm du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay, trung bình mỗi năm tỉnh Cà Mau đón được hơn 123.000 lượt khách đến với loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Đồng thời với định hướng phát triển mang tính dài hơi, đến nay các hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thông qua đó, người dân không chỉ được hưởng lợi từ hoạt động này từ nguồn sinh kế nhằm xóa đói, giảm nghèo mà ý thức về xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan, khôi phục, giữ gìn bản sắc cũng đều được nâng cao…

Chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị

Từ thực tiễn cho thấy, kinh tế lâm nghiệp đang trên đà phát triển và còn nhiều tiềm năng để phát huy lợi thế. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại như: chất lượng rừng trồng chưa cao, lâm sản tiêu thụ không ổn định, chủ yếu bán cây đứng tại rừng, gỗ nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Song song đó, các mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và chuyển rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn chưa được sự hưởng ứng của người trồng rừng, còn khó triển khai nhân rộng.

Theo ngành nông nghiệp đánh giá, năng suất, chất lượng rừng trồng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng cây giống. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nguồn giống có chất lượng phục vụ trồng rừng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống... trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế.

Cà Mau: Phát triển kinh tế lâm nghiệp xứng tầm ảnh 4Gỗ keo lai được thu mua với mức giá luôn ổn định, bình quân từ 140-160 triệu đồng/ha, đã góp phần nâng cao đời sống người dân vùng rừng U Minh hạ. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ chia sẻ, chất lượng nguồn cây giống chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Do đó, vẫn còn tình trạng một số hộ dân mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá rẻ để trồng rừng, từ đó dẫn đến rủi ro, phát sinh sâu bệnh hại rừng trồng.

Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nhìn nhận, kinh tế rừng đang gặp khó bởi công nghiệp chế biến lâm sản trong khu vực chưa phát triển. Hiện ở địa phương chỉ có các cơ sở gia công nhỏ lẻ, chưa có các nhà máy có công suất lớn đi vào hoạt động và tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người trồng rừng, nên chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trong trồng, khai thác, chế biến lâm sản… Vì thế, đầu ra của sản phẩm rừng trồng chưa ổn định.

Từ đó, tỷ trọng giá trị, tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp đạt thấp, sức cạnh tranh yếu khi tỷ trọng của lĩnh vực lâm nghiệp chỉ góp vào giá trị của ngành nông nghiệp ở mức 1,44%, trong khi tỷ lệ diện tích rừng trên diện tích tự nhiên rất lớn, chiếm đến 17,4% diện tích tự nhiên của tỉnh…

Nhận diện thực tế, định hướng phát triển tương lai, thời gian tới, Cà Mau tập trung chuyển đổi từ trồng rừng quảng canh sang trồng rừng thâm canh với diện tích 29.000 ha, bao gồm: rừng cây keo lai khoảng 12.000 ha, rừng cây tràm các loại 17.000 ha; trong đó rừng gỗ lớn loài cây keo lai chiếm khoảng 10% diện tích rừng trồng keo tại khu vực rừng U Minh Hạ. Đối với khu vực rừng ngập mặn, rừng sản xuất và rừng phòng hộ (nơi có sản xuất kết hợp) tập trung phát triển mô hình rừng - tôm bền vững theo hướng chứng nhận tôm sinh thái (hữu cơ) theo tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích 38.000 ha, sản phẩm gỗ khai thác cung cấp nguyên liệu cho chế biến.

Ông Trần Văn Thức cho biết thêm, để phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của nền kinh tế lâm nghiệp, Cà Mau sẽ chú trọng vào cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào trồng rừng sản xuất. Kinh tế lâm nghiệp sẽ được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

“Với những giải pháp tỉnh Cà Mau đưa ra, kinh tế lâm nghiệp sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Đồng thời còn tăng cường trữ lượng cacbon rừng, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Trần Văn Thức kỳ vọng.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm