Tỉnh Cà Mau đang tập trung đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến, xem đây là nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng và đảm bảo an toàn thông tin tại cơ quan, tổ chức, địa phương.
Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 1907/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 964/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Tỉnh nêu cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin tại cơ quan, tổ chức, địa phương. Các biện pháp tuyên truyền được phối hợp linh hoạt, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng để các nội dung tuyên truyền có sức lan tỏa rộng rãi, tạo ra năng lượng tích cực, an toàn trên không gian mạng.
Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu cơ quan thông tấn, báo chí chú trọng tuyên truyền sâu rộng để đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Ba nhóm lừa đảo chính gồm: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Điển hình là lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên hoặc nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp; lừa đảo tuyển công tác viên online; đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; giả danh Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án; rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng...
Các hình thức lừa đảo đang phổ biến trên không gian mạng được đối tượng thực hiện bằng nhiều hình thức và ngày càng tinh vi hơn, chủ yếu nhắm vào người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng... Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ lừa đảo thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Theo ông Trần Quốc Chính, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục để giúp người sử dụng mạng xã hội nhận diện rõ các biểu hiện, hình thức lừa đảo trực tuyến. Qua đó, mỗi người dân nêu cao sự cảnh giác và tích cực tham gia phòng, chống có hiệu quả tình trạng lừa đảo trực tuyến. Việc bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân của người sử dụng mạng xã hội không chỉ có tác dụng bảo vệ tài sản mà còn góp phần bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cơ bản, kỹ năng về an toàn thông tin mạng; chủ động các biện pháp phòng ngừa và khắc phục triệt để các lỗ hổng, điểm yếu đối với cơ sở dữ liệu, phần mềm, hệ thống thông tin và bảo đảm duy trì, kết nối, liên tục, thông suốt.
Kim Há