Gần đây, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiếp nhận nhiều thông tin về các vụ việc người dân bị lừa chuyển tiền cho những đối tượng lừa đảo trên không gian mạng với phương thức ngày càng tinh vi. Từ thực tế này, người dân cần nâng cao cảnh giác, nhận diện các thủ đoạn để kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng.
Lừa đảo bằng nhiều thủ đoạn
Mới đây, ở thành phố Huế, bà H. (ngoài 60 tuổi) nhận được một cuộc gọi điện thoại từ số máy lạ giới thiệu là cán bộ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế có quen biết cán bộ Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và đưa máy nói chuyện. Tiếp đó, các đối tượng hướng dẫn kết bạn qua zalo và gọi điện qua video để nói chuyện trong trang phục giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân.
Những đối tượng trên biết rõ một số thông tin cơ bản của nạn nhân và cho biết đang thụ lý một vụ án liên quan đến buôn bán ma túy, rửa tiền. Các đối tượng dò hỏi và được bà H. cho biết có con đang định cư ở nước ngoài. Từ đó, các đối tượng tiếp tục uy hiếp bà H., yêu cầu chuyển vài chục triệu đồng vào số tài khoản mà chúng cung cấp và không được nói cho người thân biết.
Vì quá sợ hãi, bà H. đã tới ngân hàng để rút tiền nhưng may mắn người thân trong nhà kịp thời phát hiện, ngăn chặn giao dịch chuyển tiền. Tuy nhiên, các đối tượng tiếp tục gọi điện uy hiếp, gửi lệnh khởi tố vụ án giả qua zalo cho nạn nhân, yêu cầu nếu chuyển tiền ngay sẽ hoãn thực hiện lệnh bắt giữ. Khi người nhà bà H. gọi lại số điện thoại lạ trên, các đối tượng ở đầu dây bên kia tiếp tục đe dọa, khủng bố tinh thần. Sự việc sau đó đã được trình báo cho Công an địa phương nắm bắt, xử lý.
Theo đại diện Ngân hàng Agribank - Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong tháng 6/2023, đơn vị tiếp nhận 6 thông tin phản ánh từ khách hàng về việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản; trong đó có một khách hàng sau khi bị các đối tượng giả mạo cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án gọi điện đe dọa liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm, yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định phục vụ điều tra và đã chuyển đi gần 350 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị ghi nhận nhiều vụ việc người dân bị lừa đảo bằng các thủ đoạn khác nhau trên không gian mạng với tổng số tiền khoảng 23 tỷ đồng; trong đó có những vụ việc phức tạp lên đến khoảng 12 tỷ đồng.
Chủ động bảo vệ thông tin giữ liệu cá nhân
Trung tá Phan Khắc Hiệp, cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, lừa đảo trên không gian mạng được thực hiện bởi một số ở trong nước và một số ở nước ngoài. Phương thức thủ đoạn của tội phạm sử dụng ngày càng tinh vi, nhằm vào những người dân lộ, lọt thông tin cá nhân để tiếp cận theo hướng chính là lợi dụng lòng tốt, sự cả tin và lòng tham. Đặc biệt, lợi dụng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đối tượng xấu chiếm đoạt được quyền truy cập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội với công nghệ Deepfake, các đối tượng đã tạo ra những ảnh động, video giả mạo cùng khuôn mặt, âm điệu giọng nói và cách xưng hô với chủ tài khoản để gọi video nhằm tăng thêm lòng tin từ các nạn nhân.
Trung tá Phan Khắc Hiệp cho biết thêm, nhiều trường hợp, người bị lừa vốn là người rất cẩn thận, thường xuyên nhắc nhở người khác về những tình huống bị lừa trên mạng để phòng tránh. Tuy nhiên sau đó, chính họ lại nhẹ dạ chuyển hàng trăm triệu đồng theo số tài khoản từ tin nhắn messenger giả mạo người thân mà không xác thực gọi điện trực tiếp cho người nhận. Có người bị lừa nhiều lần chuyển tiền cho các đối tượng theo hình thức đầu tư trực tuyến với lợi nhuận cao, được người nhà cảnh báo nhưng vẫn không nghe, đến khi sập bẫy lừa đảo mới tỉnh ngộ. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, dòng tiền lừa đảo được các đối tượng chuyển qua nhiều tài khoản không chính chủ khác nhau nhằm xóa dấu vết.
Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng nổi lên thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh gồm: chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội hoặc tạo tài khoản giả để nhắn tin mượn tiền từ những người có trong danh sách bạn bè; giả danh giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ nhà trường hoặc nhân viên bệnh viện gọi điện cho phụ huynh báo tin học sinh hoặc người nhà bị tai nạn đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền nhanh để đóng viện phí, sau đó chiếm đoạt; mạo danh các ngân hàng thương mại gửi tin nhắn yêu cầu xác thực tài khoản, huỷ dịch vụ… bằng cách truy cập vào đường dẫn nhằm chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng; mời gọi đầu tư tài chính, đầu tư trực tuyến để thu lợi nhuận “khủng”.
Các đối tượng còn giả danh nhân viên các công ty lớn, uy tín tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà với mức lương cao, sau đó đề nghị nộp tiền tạm ứng để làm nhiệm vụ và bị chiếm đoạt; vay vốn trực tuyến; giả danh cán bộ Nhà nước như Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Thuế; chiếm đoạt quyền sử dụng sim số điện thoại bằng thủ đoạn nhá máy yêu cầu gọi lại hoặc đề nghị soạn tin nhắn theo cú pháp; giả danh người nước ngoài thành đạt; giả danh nhân viên Công ty Xổ số cho số đánh lô, đề; giả danh nhân viên ngân hàng, nhà mạng, sàn thương mại điện tử thông báo nạn nhân được trúng thưởng, đề nghị đóng một khoản phí làm thủ tục và chiếm đoạt…
Ban Giám đốc Công an tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh đấu tranh với loại tội phạm này. Để nâng cao ý thức cảnh giác, nhận diện các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh đang triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đến người dân như trên nền tảng Hue-S, phát tờ rơi ở khu dân cư, thông tin trên trang mạng xã hội… Công an tỉnh khuyến cáo người dân phải chủ động bảo vệ thông tin giữ liệu cá nhân, chỉ cung cấp cho cơ quan Nhà nước, đơn vị, tổ chức uy tín; kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến các giao dịch tiền bạc trực tuyến...
Đỗ Trưởng