Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Trả lời phỏng vấn xung quanh việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, mức độ của dịch đã cao hơn nhiều nên các biện pháp cũng phải mạnh mẽ hơn.* Thưa Bộ trưởng, Chỉ thị số 15/CT-TTg có ý nghĩa như thế nào trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay? - Chỉ đạo của Thủ tướng nhằm mục tiêu trong hai tuần tới, phải làm sao ngăn bằng được việc lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng; mỗi người dân phải tự có ý thức để góp phần trong việc này. Chính phủ đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết và nếu bắt buộc ra ngoài thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 m khi tiếp xúc với người khác tại các địa điểm công cộng. Mức độ của dịch giờ đã khác, cao hơn rất nhiều rồi nên phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn. Trong khi các nước trên thế giới đang tăng rất nhiều ca mắc COVID-19 mới, tình hình ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Lượng người ở các nước về Việt Nam hiện nay rất ít, vì đã dừng hầu hết chuyến bay quốc tế. Trường hợp nào nhập cảnh đều được áp dụng cách ly tập trung triệt để. Việt Nam đã có bước đi sớm và thận trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Chính phủ đã có những chỉ đạo rất mạnh mẽ với tinh thần không được chủ quan. Nếu Việt Nam chủ quan, lơ là, thì tình hình đã xấu hơn rất nhiều.*Thủ tướng yêu cầu “dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng”. Còn những trường hợp tập trung đông người khác như: phòng làm việc, các bếp ăn tập thể có trên 20 người; các chuyến xe khách, máy bay chở khách trên 20 người… thì xử lý ra sao, thưa Bộ trưởng? - Chỉ đạo này áp dụng với các hoạt động không cần thiết như tụ tập đông người để hội họp, giải trí hay tổ chức sự kiện, đi chơi đông người... Còn đối với các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị hành chính thì vẫn đi làm. Như ngân hàng là những nơi thực hiện giao dịch thì vẫn làm việc. Dừng ở đây là đối với hoạt động không cần thiết, chứ không phải tất cả. Tuy nhiên, khi đi làm trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, các cơ quan, đoàn thể phải tự điều chỉnh. Họp hành thì cắt bớt thành phần đại biểu, chia người tham gia vào nhiều phòng họp trực tuyến khác nhau… Chính phủ khuyến cáo chia nhỏ các bộ phận, hạn chế tiếp xúc và mỗi cơ quan phải tự ý thức hơn trong việc này nhằm góp phần chống dịch. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tự sắp xếp sao cho phù hợp để tránh đông hơn 20 người tập trung trong một phòng. Các cơ quan, đơn vị nên tích cực chuyển đổi hình thức làm việc sang trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin. Văn phòng Chính phủ hiện đã cắt giảm hết các hội nghị không cần thiết, nếu tổ chức thì hầu hết áp dụng hình thức họp trực tuyến, kết nối đến tận các phòng. Với những cuộc họp như Chính phủ, Thường trực Chính phủ, áp dụng chia nhỏ thành phần tham dự ra các phòng khác nhau và chỉ mời đại biểu cần thiết. Ngay cả cuộc họp G20 với sự tham dự của nguyên thủ các nước vào tối 26/3 cũng áp dụng họp trực tuyến. Việc này nhằm nêu tiếng nói mạnh mẽ về giải pháp đoàn kết toàn cầu, chống đại dịch. Đây cũng chính là cơ hội tốt để sắp xếp và thay đổi lại cách việc làm truyền thống.* Dư luận băn khoăn với quy định “hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc...”, cho rằng hai địa phương gần như bị phong tỏa và người dân di chuyển đến nơi khác sẽ bị cách ly 14 ngày. Nhiều người cũng lo ngại về việc dừng hoạt động của chợ dân sinh. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào? - Thông tin phong tỏa một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là không chính xác. Dù dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát. Việc cần thiết bây giờ là phải siết chặt việc quản lý các hoạt động, tất cả dịch vụ không cần thiết phải đóng cửa. Thủ tướng yêu cầu tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như cung cấp lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, khám, chữa bệnh. Chợ dân sinh nếu kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu sẽ không bị tạm đình chỉ theo Chỉ thị của Thủ tướng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh và yêu cầu phòng chống, kiểm soát dịch trên địa bàn để quy định cụ thể. Thủ tướng cũng yêu cầu áp dụng biện pháp hạn chế việc di chuyển, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa. Tôi mong người dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ. Mỗi cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng cũng như các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của các bộ, ngành. Trong cuộc chiến chống dịch còn rất gian nan này, Chính phủ mong người dân, doanh nghiệp chung sức, đồng hành và chia sẻ cùng Chính phủ.* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Chu Thanh Vân