Bổ sung vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm để cải thiện sức khỏe cộng đồng

Ngày 11/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

vna_potal_hoi_thao_gop_y_quy_dinh_kiem_soat_dua_cac_vi_chat_vao_thuc_pham_7646904.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hạnh Quyên - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thiếu vi chất còn được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” bởi nó diễn biến từ từ và âm thầm. Để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và vi chất cần thiết cho sự phát triển, Luật An toàn thực phẩm quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm của mình. Việc thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, sau 7 năm thực hiện Nghị định số 09, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đạt chuẩn trong cộng đồng đã giảm. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em trên toàn quốc sử dụng i-ốt hiện đang ở mức thấp gần sát với ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó trẻ em miền núi có tỷ lệ rất thấp và không đáp ứng được yêu cầu khuyến cáo. Tỷ lệ sử dụng i-ốt không đạt chuẩn WHO cũng xuất hiện ở nhóm phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (chỉ đạt khoảng 50%), trong khi tỷ lệ hộ gia đình đạt yêu cầu là 27%, so với mức khuyến cáo 90% của WHO.

Tình trạng thiếu sắt, kẽm và vitamin A trong huyết thanh vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, đặc biệt là ở phụ nữ và trẻ em – những đối tượng nhạy cảm và cần được bổ sung vi chất nhiều nhất. Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, thiếu i-ốt tác động lớn đối với sức khỏe cộng đồng, cần tiếp tục tăng cường i-ốt vào muối dùng trực tiếp và trong chế biến thực phẩm. Đồng thời, việc bổ sung sắt, kẽm vào bột mì, vitamin A, dầu ăn là cần thiết để đảm bảo ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng. Đây là biện pháp hiệu quả, bền vững và ít tốn kém nhất.

"Tuy nhiên, Ban soạn thảo vẫn nhận được ý kiến từ một số doanh nghiệp đề nghị không bắt buộc đưa vi chất dinh dưỡng vào dự thảo. Do đó, Bộ Y tế tổ chức hội thảo lần này để thu thập ý kiến từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, phân tích và làm rõ vấn đề, có được các minh chứng khoa học cụ thể để báo cáo lên Chính phủ, đảm bảo rằng khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Trước đó, Quyết định 53/2024/QĐ-CP ngày 15/1/2024, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09. Đến thời điểm hiện tại, hồ sơ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09 cơ bản đã được hoàn thành và quá trình lấy ý kiến từ các cơ quan, đơn vị liên quan cũng đã được tổ chức.

Tiến sĩ Loland Kupka, Cố vấn dinh dưỡng khu vực, Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: Tại Việt Nam, cần áp dụng toàn diện các biện pháp để bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách tăng cường vi chất dinh dưỡng trên quy mô rộng và lớn. Chúng tôi khuyến nghị việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm như dầu ăn, bột mì, muối nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất đang phổ biến.

vna_potal_hoi_thao_gop_y_quy_dinh_kiem_soat_dua_cac_vi_chat_vao_thuc_pham_7646700.jpg
Tiến sĩ Loland Kupka, Cố vấn dinh dưỡng khu vực, Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hạnh Quyên- TTXVN

Tiến sĩ Trần Anh Dũng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế nhận định, một số doanh nghiệp lo ngại rằng việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm sẽ làm tăng giá bán, gây khó khăn trong cạnh tranh với các doanh nghiệp không thực hiện việc này.

Tiến sĩ Dũng phân tích, qua điều tra đánh giá tác động về mặt kinh tế, pháp luật, thủ tục hành chính, phương án bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì mang lại nhiều lợi ích hơn so với phương án khuyến khích. Điều này đáp ứng yêu cầu cấp bách trong việc giảm nhanh tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng đáng báo động ở cộng đồng. Về mặt kinh tế, phương án bắt buộc này tạo ra lợi ích kinh tế cao hơn, ước tính khoảng 13.451 tỷ đồng, với tỷ suất lợi ích trên chi phí gần gấp đôi (85,0: 1 so với 46,3).

Trong bối cảnh kinh tế-xã hội của Việt Nam và mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, giải pháp trung hạn tăng cường các vi chất dinh dưỡng thiết yếu vào muối và bột mì là lựa chọn tối ưu. Giải pháp này không chỉ đảm bảo sự bình đẳng trong việc tiếp cận vi chất mà còn kết hợp được nguồn lực từ khu vực công và tư nhân. Theo đó, các cơ sở sản xuất thực phẩm sẽ chịu trách nhiệm sản xuất và phân phối các sản phẩm được tăng cường vi chất, còn người tiêu dùng sẽ chi trả một khoản nhỏ để tiếp cận thực phẩm có lợi cho sức khỏe với chi phí thấp.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong, ngoài nước đều bày tỏ quan điểm đề xuất giữ nguyên khoản 1, Điều 6 của Nghị định số 09 do Chính phủ ban hành, liên quan đến việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp, cùng với các phân tích dựa trên cơ sở khoa học được các chuyên gia và đại diện các tổ chức quốc tế nêu ra trong buổi hội thảo. Những thông tin này là cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sẽ được sử dụng để trao đổi với các doanh nghiệp. Bộ cũng sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm để trình lên Chính phủ.

HQ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm