Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương hằng năm phải chứng kiến sự tàn khốc của thiên tai và gánh chịu thiệt hại nặng nề do bão, lụt.
Từ năm 2018 đến nay, hàng trăm hộ dân nghèo ven biển, vùng thấp trũng đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng chống, thiên tai theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), gọi chung là Dự án GCF.
Những ngôi nhà vững chắc đã trở thành “phao cứu sinh” giúp người dân có chỗ trú ẩn an toàn, bảo vệ tính mạng và tài sản trước thiên tai.
An tâm tránh bão lũ trong ngôi nhà “3 cứng”
Là rốn lũ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, huyện Quảng Điền thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề bởi bão lụt. Vì vậy, có nơi ở an toàn để tránh trú là ước mơ chung của những hộ dân nghèo vùng trũng, bãi ngang ven biển nơi đây. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và Dự án GCF, hàng trăm hộ dân tại huyện Quảng Điền có thể vững tâm hơn đối mặt với thiên tai, bảo vệ tài sản gia đình trong chính ngôi nhà của mình.
Sống ở vùng thấp trũng xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, mỗi khi mưa bão, gia đình bà Phan Thị Gái (86 tuổi) phải sơ tán đến nơi an toàn. Được khi chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ nguồn kinh phí từ Dự án GCF, nguồn vốn đối ứng theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg và vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mái nhà tranh vách gỗ trước kia của gia đình bà đã được thay bằng ngôi nhà mới “3 cứng”, có gác lửng an toàn.
Bà Gái chia sẻ, tuổi cao sức yếu, chồng bị bệnh nặng không thể tự di chuyển nên mỗi khi có mưa bão, bà nơm nớp lo sợ. Năm 2020, được Nhà nước tạo điều kiện và hỗ trợ gần 70 triệu đồng, cùng số tiền con cháu đóng góp thêm, gia đình bà đã xây dựng ngôi nhà bê tông vững chắc có sàn vượt lũ. Khi có bão sẽ trú ẩn ở phòng dưới. Khi có lụt lớn hai ông bà di chuyển lên tầng trên, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Nhờ vậy, trận lụt lớn cuối năm 2020, dù nước ngập đến hơn 1 mét, cả gia đình bà vẫn an toàn.
Ông Trần Văn Lệ, thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền cho biết, sống ven phá Tam Giang nên mỗi mùa lụt, nhà ông thường bị ngập sâu và dài ngày, gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Năm 2019, gia đình ông được hỗ trợ xây nhà chống bão lụt với móng trụ bằng bê tông cốt thép, tường gạch, có sàn vượt lũ cao hơn 2m; thiết kế nhà có phần hiên và lan can tầng 2 phía trước, đảm bảo thoát hiểm, cứu hộ khi bão lụt nghiêm trọng xảy ra. Ngôi nhà kiên cố không chỉ giúp ông yên tâm hơn để “sống chung với bão lụt” mà còn là nơi trú ẩn an toàn cho bà con trong thôn.
Ông Nguyễn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền cho biết, là xã nằm ven phá Tam Giang, địa phương thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề của các đợt bão lụt. Toàn xã hiện có hơn 40 hộ nghèo, hộ khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà chống bão lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg và Dự án GCF. Những ngôi nhà kiên cố với với nền cứng, khung cứng và mái cứng giúp người dân an tâm tránh trú bão, lụt; đồng thời giảm gánh nặng di dời dân cư đến nơi trú ẩn tập trung mỗi khi thiên tai ập đến.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 581 hộ hoàn thành xây dựng nhà chống bão lụt từ nguồn kinh phí của Dự án GCF và vốn đối ứng theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg. Hầu hết nhà chống bão, lụt tại Thừa Thiên- Huế đều được xây dựng theo kết cấu có mái gia cố chống bão giật, sàn gác lửng đổ bê tông cốt thép cao trên 2m. Nhờ đó, trong các đợt bão, lụt lịch sử năm 2020, nhiều khu vực thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập, hàng trăm nghìn người dân phải đi sơ tán, hàng ngàn ngôi nhà và tài sản bị hư hại nghiêm trọng nhưng những ngôi nhà chống bão, lụt đã phát huy hiệu quả, trở thành nơi trú ẩn an toàn và là địa chỉ tin cậy để những hộ dân lân cận có nơi tá túc, giúp bà con thích ứng, sống chung cùng thiên tai.
Ông Nguyễn Đình Tài, cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quảng Điền cho biết, với đặc thù là vũng thấp trũng, cùng diễn biến khó lường thiên tai, vì vậy nhu cầu xây nhà chống bão, lụt trên địa bàn huyện rất cao. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương là 14 triệu đồng và nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách 15 triệu đồng, rất khó để người dân hoàn thiện nhà. Ông Tài nêu ý kiến đề xuất Chính phủ tăng mức hỗ trợ để cho bà con xây được ngôi nhà kiên cố và có đủ công trình bếp, nhà vệ sinh.
Thừa Thiên - Huế là một trong bảy địa phương được chọn để triển khai Dự án GCF lồng ghép vào chương trình xây nhà chống bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Phước Bửu Hùng nhấn mạnh, quá trình vận hành những ngôi nhà chống bão, lụt đã phát huy hiệu quả, đảm bảo nơi ở an toàn cho người dân trong mùa mưa bão, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện vấn đề nhà ở khu vực nông thôn.
Để Dự án triển khai hiệu quả, địa phương kiến nghị Nhà nước xem xét tiếp tục chính sách hỗ trợ nhà ở chống chịu bão, lụt cho người nghèo ven biển với đối tượng thụ hưởng được mở rộng theo chuẩn nghèo đa chiều; Trung ương sớm hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh văn kiện dự án tổng thể để địa phương có cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án tại tỉnh; cần xem xét điều chỉnh kinh phí hỗ trợ theo giá thị trường của các loại vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn hiện nay là nhiều hộ nghèo có nhu cầu xây nhà nhưng chưa có đất, địa phương cần tạo điều kiện để bà con có nơi xây nhà, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Những ngôi nhà phòng, chống bão, lụt của các hộ nghèo tại Thừa Thiên - Huế đã cho thấy hiệu quả, tầm quan trọng, giúp bà con ứng phó với sự biến đổi ngày càng khốc liệt của thiên tai, đồng thời thay đổi bộ mặt nông thôn mới. Thời gian tới, tỉnh tập trung bố trí nguồn lực hỗ trợ xây dựng 150 nhà ở chống chịu bão, lụt cho hộ nghèo; đồng thời kêu gọi hỗ trợ từ tổ chức, nhà hảo tâm tiếp thêm động lực để bà con hoàn thiện nhà ở, an tâm "sống chung với bão, lụt".
Tường Vi