Bình Thuận phấn đấu trở thành cực tăng trưởng kinh tế khu vực Nam Trung Bộ

Khách du lịch tham quan, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm Chăm trong khu di tích tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN
Khách du lịch tham quan, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm Chăm trong khu di tích tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN

Những ngày cuối năm 2023, toàn thể Đảng bộ, Chính quyền, quân và nhân dân Bình Thuận hân hoan chào đón mùa xuân mới với nhiều niềm tin và hy vọng vào thắng lợi mới. Trong năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tỉnh đã đạt được kết quả khả quan, đánh dấu giai đoạn phát triển mạnh.

Bình Thuận phấn đấu trở thành cực tăng trưởng kinh tế khu vực Nam Trung Bộ ảnh 1Nhiều trò chơi hấp dẫn tại Công viên nước Wonderland thu hút khách du lịch. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Năm 2023, Bình Thuận triển khai nhiệm vụ trong điều kiện có những thuận lợi như: Việc tổ chức thành công các chuỗi sự kiện, hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, hai tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác, sử dụng đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.

Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (trong khi năm 2022 xếp thứ 45/63 và 10/14). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40.611 tỷ đồng, trong đó ngành sản xuất và phân phối điện tăng hơn 11,6%. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 904 triệu USD. Thu ngân sách đạt hơn 10.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.

Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, ngành Du lịch tỉnh trở thành điểm sáng nổi bật khi phục hồi và tăng trưởng nhanh, từ đó lan tỏa mạnh tới sự phát triển của nhóm ngành dịch vụ khác như: vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động vui chơi giải trí... Toàn tỉnh đón 8,35 triệu lượt du khách, tăng 45,98% và doanh thu đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2022. Là một trong số 10 tỉnh, thành phố có tổng lượt du khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ ước đạt 95.480 tỷ đồng, tăng 28,57% so với năm 2022.

Tuy nhiên, năm 2023, kinh tế - xã hội tỉnh vẫn còn một số khó khăn, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu về đơn hàng xuất khẩu sụt giảm,… Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ. Việc thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập. Vẫn còn trường hợp tàu cá, ngư dân đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, làm ảnh hưởng đến nỗ lực chống khai thác IUU của tỉnh…

Năm 2024 xác định là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Mục tiêu đề ra là tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

Với những kết quả khả quan về sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bình Thuận đã đặt chỉ tiêu tăng GRDP đạt từ 8% - 8,5% trong năm 2024, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng từ 11,5% - 12,4%; dịch vụ tăng từ 9,5% - 10%; nông, lảm, thủy sản tăng từ 3% - 3,2%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.000 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu kinh tế- xã hội trong năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết, Tỉnh ủy đã có chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các địa phương, các sở, ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực làm việc bằng cả trách nhiệm và tình cảm, có tâm và tầm; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển của tỉnh làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình và hoàn thành nhiệm vụ chung của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Bình Thuận phải đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội dựa trên phát huy tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển và hiệu quả của đầu tư công (với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư), phấn đấu có giải ngân các dự án: Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức, kho cảng LNG Sơn Mỹ, nhà máy điện khí; Cảng hàng không Phan Thiết, dự án Khu du lịch Quốc gia Mũi Né,… Phấn đấu quy mô kinh tế gần trên 110 nghìn tỷ đồng. Quá trình đó, phát triển đồng đều 3 trụ cột công nghiệp - du lịch - nông nghiệp; phát triển các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, phấn đấu đạt được mục tiêu Đại hội XIV đề ra là “Xây dựng tỉnh Bình Thuận mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch”. Năng lượng và du lịch tỉnh đã có nền tảng và tỉnh tập trung phát triển kinh tế biển. Kinh tế biển không chỉ đơn thuần là phát triển thủy hải sản mà là tất cả các hoạt động dựa trên nền tảng biển như cảng biển, logistics, du lịch - thể thao biển,…

Bình Thuận phấn đấu trở thành cực tăng trưởng kinh tế khu vực Nam Trung Bộ ảnh 2Khách du lịch tham quan, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm Chăm trong khu di tích tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương; tiếp tục tổ chức sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó nhấn mạnh về tư tưởng, chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; động viên, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong công việc, đồng thời sẵn sàng chuyển đổi vị trí công tác, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống…

Những ngày này, đâu đâu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng tràn ngập không khí náo nhiệt. Tại các con đường được người dân trang trí rợp cờ hoa hân hoan chào đón năm mới. Ông Nguyễn Văn Phục (ngụ thành phố Phan Thiết) chia sẻ, năm nay tỉnh Bình Thuận có nhiều mới lạ hơn những năm trước. Tại thành phố Phan Thiết, các con đường đã được sửa chữa sạch đẹp, lề đường thông thoáng. Những ngày cuối năm lúc nào cũng náo nhiệt người dân và du khách tập trung về khu vực trung tâm thành phố Phan Thiết vui chơi mua sắm. Với những không khí vui tươi phấn khởi này, hy vong trong năm mới mọi người dân sẽ gặp nhiều may mắn, kinh tế - xã hội tỉnh sẽ có sự phát triển nhảy vọt như kỳ vọng của toàn thể nhân dân.

Từ những chủ trương, chính sách đúng và những định hướng có trọng tâm, trọng điểm, Bình Thuận đang vững bước tương lai với khát vọng và niềm tin thắng lợi tuyệt đối. Niềm tin đó là điều kiện tiên quyết tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết; góp phần tạo động lực to lớn để tỉnh Bình Thuận tiếp tục vươn lên phát triển hơn nữa trong những năm tới, khẳng định vị trí, vai trò là một trong những cực tăng trưởng kinh tế của khu vực Nam Trung Bộ - một trong những khu vực phát triển năng động nhất hiện nay.

Nguyễn Thanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm