Đến năm 2025, diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao của các địa phương trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 17.700 ha, năng suất trên 60 tạ/ha; trong đó, khoảng 50% diện tích liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đó là mục tiêu của kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa mới ban hành.
Với diện tích canh tác hàng năm lên đến trên 100.000 ha, năng suất bình quân dao động từ 5,5 - 5,8 tấn/ha, Bình Thuận là một địa phương có diện tích sản xuất lớn của cả nước. Tuy nhiên, phần lớn tập quán canh tác tại nhiều địa phương trong tỉnh còn lạc hậu, nông dân còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và bón phân đạm nhiều, điều đó dẫn đến chi phí thu hoạch tăng cao nhưng năng suất lúa giảm xuống.
Kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 nhằm mục tiêu hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh ở các vùng sản xuất trọng điểm lúa; từng bước chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trong sản xuất lúa. Lợi nhuận tăng thêm khoảng 10- 15% so với sản xuất thông thường.
Nổi bật, đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng 15 mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương; đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm như: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong.
Bên cạnh đó, tỉnh hướng tới xây dựng 5 chuỗi liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị và khoảng 30 mô hình trình diễn thử nghiệm một số giống lúa chất lượng cao. Việc này nhằm xác định một số giống lúa có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu đưa vào cơ cấu giống của địa phương.
Để đạt được mục tiêu đó, Bình Thuận đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất. Cụ thể, các vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Những hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng nông dân được cung cấp đầu vào bảo đảm chất lượng với giá thấp hơn, đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn.
Theo kế hoạch trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các vùng lúa chất lượng cao trong sản xuất, chế biến nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng và hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hồng Hiếu