Bản đồ tỉnh Bình Thuận – Vị trí địa lý và các đơn vị hành chính. Ảnh : itgate.com.vn |
Mặc dù là một trong 4 tỉnh, thành phố không có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách nhà nước, tỉnh Bình Thuận điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo diện khuyến khích. Theo đó, từ nay đến năm 2021, Bình Thuận sẽ thực hiện sáp nhập 6 đơn vị hành chính cấp xã thành 3 đơn vị hành chính mới gồm: sáp nhập xã Hòa Phú với thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong); sáp nhập xã Măng Tố với xã Đức Tân (huyện Tánh Linh); sáp nhập xã Đức Chính với xã Nam Chính (huyện Đức Linh). Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Thuận tiến hành điều chỉnh địa giới 7 đơn vị cấp xã gồm: Thị trấn Liên Hương, xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong); xã Mương Mán (huyện Hàm Thuận Nam); thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân); phường Phước Hội và phường Phước Lộc (thị xã La Gi); xã Vũ Hòa (huyện Đức Linh). Theo ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã tạo sự thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực, tiềm năng của địa phương đồng thời giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và tiết kiệm kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã phải đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất của nhân dân thông qua việc lấy ý kiến cử tri, đồng thời phải chú trọng các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, phong tục…Bên cạnh đó, các xã sau khi sáp nhập phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở đồng thời phải gắn việc sắp xếp các đơn vị hành chính với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm. Theo đó, đối với các xã điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với các huyện tiến hành rà soát, khảo sát từng trường hợp cụ thể để tham mưu UBND tỉnh thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính tại các huyện và các xã trên, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Riêng đối với việc sáp nhập 6 đơn vị hành chính cấp xã thành 3 đơn vị hành chính mới, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ hướng dẫn các huyện xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời, các huyện Tuy Phong, Tánh Linh, Đức Linh phải thành lập Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính xã… Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, khi xây dựng đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các huyện và các xã chủ động có phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động tại đơn vị hành chính mới dự kiến thành lập sau sắp xếp. Đặc biệt, các địa phương chú trọng thực hiện việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính, nhất là cán bộ, công chức và người dân ở các xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập để thành lập đơn vị hành chính mới. Bình Thuận hiện có 10 đơn vị hành chính cấp huyện; có 127 đơn vị hành chính cấp xã. Trước đây, việc chia tách thành lập một số đơn vị hành chính cấp xã phần lớn là theo yếu tố tự nhiên, chưa xem xét cụ thể các tiêu chí về diện tích, dân số nên dẫn đến một số đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên quá lớn nhưng quy mô dân số rất ít. Một số đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên rất nhỏ nhưng quy mô dân số rất lớn. Toàn tỉnh có 64 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong giai đoạn 2, từ năm 2022 đến năm 2030, Bình Thuận sẽ tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã còn lại.
Hồng Hiếu