Bình Phước nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp

Ngày 14/5, đại diện UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Kế hoạch số 155/KH-UBND về phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh vừa được ban hành nhằm nâng cao đời sống, giá trị thu nhập của người dân từ trồng rừng sản xuất.

vna_potal_binh_phuoc_ung_dung_cong_nghe_de_phong_chong_chay_rung_7203339.jpg
Lực lượng Vườn quốc gia Bù Gia Mập chủ động tuần tra 24/24 nơi có nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng cao. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Kế hoạch đặt ra mục tiêu chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, tiêu dùng tại địa phương, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai. Theo Kế hoạch trên, tỉnh phấn đấu nâng cao năng suất, chất lượng các loại rừng, quy hoạch hài hòa các loại rừng, đảm bảo và đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng đạt 21%.

Ngoài phát triển kinh tế lâm nghiệp, tỉnh còn đặt mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp, giá trị thu nhập của người dân từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 - 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương có rừng thực hiện các giải pháp về xây dựng vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn; khoa học, công nghệ và khuyến lâm; cơ chế, chính sách; tổ chức sản xuất, liên doanh, liên kết; trong đó, các đơn vị tập trung rà soát, đánh giá diện tích đất trống, rừng trồng sản xuất hiện có để xác định diện tích đất có điều kiện phù hợp để trồng mới, trồng lại rừng theo hướng thâm canh để kinh doanh gỗ lớn. Tỉnh chọn các loài cây trồng lâm nghiệp sinh trưởng nhanh, cây địa phương phù hợp với từng điều kiện sinh thái; nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp năng suất, chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng...

Các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương có rừng hướng dẫn người dân thực hiện đúng kỹ thuật trồng rừng thâm canh và chuyên hóa rừng trồng cung cấp gỗ lớn, từ khâu làm đất - bón phân - chăm sóc, bảo vệ nhằm nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng. Các địa phương tổ chức sản xuất chuỗi liên kết giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Bình Phước khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư theo chuỗi khép kín vào ngành lâm nghiệp và hỗ trợ, dẫn dắt người dân sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường...

Tổng diện tích rừng và đất chưa có rừng của tỉnh Bình Phước hiện là 171.708,06 ha; trong đó, diện tích đất có rừng là 155.173,54 ha, diện tích đất chưa có rừng là 16.534,52 ha.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm