Ngày 11/8, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định thông tin, hiện nay, dự báo cháy rừng tại các huyện trên địa bàn tỉnh đang ở cấp IV, cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn, nhất là khi nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Theo ông Sáu, xác định phòng cháy rừng là chính, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cấp thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó, các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bố trí nhiều nhiều biển cảnh báo tại khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao. Ảnh: Tường Quân - TTXVN
Sở chỉ đạo các chủ rừng (các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp) bám sát nội dung, giải pháp phương án phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2019 - 2023 đã được phê duyệt và điều chỉnh, bổ sung hằng năm để thực hiện.
Đồng thời, lực lượng chức năng chủ động làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ dễ cháy và có điều kiện áp dụng, đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, tài nguyên rừng; làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng ở các diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao.
Chủ rừng thực hiện nghiêm quy trình đốt thực bì. Trước khi đốt phải báo cáo bằng văn bản về thời gian, địa điểm, diện tích, công tác chuẩn bị và phương án chữa cháy nếu xảy ra cháy lan gửi đến cơ quan Kiểm lâm và chính quyền địa phương. Chủ rừng chỉ được phép xử lý đốt khi cơ quan Kiểm lâm kiểm tra thực tế hiện trường đạt các yêu cầu quy phạm kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngoài ra, Sở nghiêm cấm mọi trường hợp đốt nương, rẫy, đốt xử lý thực bì khi thời tiết nắng nóng kéo dài, dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Nếu không tuân thủ, để xảy ra cháy rừng thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Sở cũng chỉ đạo các chủ rừng bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện, khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện, trang thiết bị đảm bảo hoạt động tốt, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ…
Thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng. Trong đó, có 3 vụ cháy rừng trồng với diện tích hơn 11 ha; 1 vụ cháy tại đất đã trồng rừng nhưng chưa thành rừng tại huyện Tuy Phước với diện tích 0,7 ha. Đơn vị chức năng đã xử lý xong 1 vụ tại huyện Tuy Phước với số tiền phạt 2 triệu đồng.
Toàn tỉnh Bình Định có hơn 381.000 ha đất có rừng, trong đó có hơn 166.560 ha diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng trồng keo, bạch đàn, phi lao, lim xanh, sao đen.
Lê Phước Ngọc