Ông Trần Ngọc Ký, ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quan so sánh cây sắn bị bệnh (trái) với cây chưa nhiễm bệnh. Ảnh: K GỬIH -TTXVN |
Theo ghi nhận, bệnh khảm lá sắn đã “hoành hành” trên địa bàn Bình Phước lên đến hơn 1.000 ha. Cao điểm, bệnh khảm lá sắn xảy ra vùng chuyên canh về cây sắn tại huyện Hớn Quản lên đến 433 ha; huyện Chơn Thành 344 ha; Đồng Phú 99 ha; Lộc Ninh 85 ha và huyện Phú Riềng hơn 47 ha…
Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh này bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), bệnh lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh, đây là bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm.
Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trong toàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống bệnh khảm lá sắn ở cấp huyện, thị hỗ trợ hướng dẫn nông dân thực hiện tiêu hủy triệt để diện tích sắn bị nhiễm bệnh; phun thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Dinotefura, Pymetrozine có tên thương mại Brimgol 200WP, Sagometro 50WG, Ikuzu 20WP, Longanchess 750WP để trừ bọ phấn (rầy phấn trắng) xuất hiện, để diệt nguồn môi giới truyền bệnh. Những vùng bị nhiễm nặng cần phải tiêu hủy cây bị bệnh, nghiêm cấm vận chuyển thân, lá sắn ra khỏi vùng dịch; luân canh cây trồng khác để tránh thiệt hại.
Đồng thời, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng sắn chuyển cây trồng khác hoặc không trồng sắn ít nhất 1 vụ để cắt nguồn bệnh.
Các giống sắn như HLS-11, HLS-12, KM 419, KM 140 bị nhiễm nặng bệnh khảm lá được các ngành chuyên môn yêu cầu nghiêm cấm hành vi buôn bán, trao đổi các loại giống sắn nêu trên.
Dương Chí Tưởng