Bất cập sau sáp nhập các trường học tại vùng cao Sơn La

Bất cập sau sáp nhập các trường học tại vùng cao Sơn La

Thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trường học, tỉnh Sơn La đã giảm được trên 230 trường học. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, nhiều bất cập đã bộc lộ, không phù hợp với đặc thù địa bàn vùng cao, biên giới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường.

* Quy mô trường học quá lớn

Sau nhiều năm phấn đấu, Trường Mầm non Hoa Ban, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp được công nhận là Trường chuẩn quốc gia cấp độ 1 vào năm 2017. Đến năm 2018, sau khi sáp nhập với một trường mầm non khác, Trường Mầm non Hoa Ban không còn đạt chuẩn do vượt quá quy định để đạt chuẩn với 40 nhóm lớp và 16 điểm trường sau sáp nhập. Không những thế, sau sáp nhập, việc quản lý, nâng cao chất lượng dạy học cũng gặp khó khăn.

Bất cập sau sáp nhập các trường học tại vùng cao Sơn La ảnh 1 Sau khi sáp nhập, Trường mầm non Hoa Ban (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp) đã không còn đạt chuẩn quốc gia như trước vì quy mô số nhóm lớp quá lớn. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Cô Nguyễn Thị Nụ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban cho hay, theo quy định, mỗi trường chỉ có tối đa 20 nhóm lớp nhưng do lượng học sinh quá đông, nếu nhập vào để giảm số lớp lại không đảm bảo tỉ lệ học sinh trên lớp. Hiện, công tác quản lý của trường gặp khó khăn do số nhóm lớp đông, địa bàn rộng, rải rác.

Tại Trường Tiểu học Chiềng Cang, huyện Sông Mã, sau khi sáp nhập từ 3 trường học trên địa bàn, quy mô trường đã lớn hơn trước gấp nhiều lần. Hiện nay, ngôi trường này có 59 lớp, 12 điểm trường và hơn 1.600 học sinh, đã dẫn đến khó khăn về cơ sở vật chất, công tác quản lý giáo viên, học sinh.

Bất cập sau sáp nhập các trường học tại vùng cao Sơn La ảnh 2 Nhân viên Trường tiểu học và trung học cơ sở Mường Và (huyện Sốp Cộp) chuẩn bị bữa ăn bán trú cho học sinh. Ảnh Hữu Quyết - TTXVN


Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Cang Nguyễn Thị Hà chia sẻ, theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia, sĩ số học sinh là 35 em/lớp. Tuy nhiên, hiện tại có những lớp 44 học sinh, không thể tách lớp do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất. Do đó, các hoạt động đào tạo học sinh mũi nhọn, ngoại khóa, nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng yêu cầu của trường chuẩn đều không được đảm bảo.

Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Mường Và, huyện Sốp Cộp gặp khó khăn khi thực hiện công tác bán trú, hoạt động giảng dạy của hai bậc học. Sau khi sáp nhập, nhà trường có 34 lớp, với gần 1.300 học sinh, trong đó, có 230 học sinh hưởng chế độ bán trú. Cơ sở vật chất của trường được xây dựng từ năm 2012 (khi chưa thực hiện việc sáp nhập) nên không đáp ứng yêu cầu học tập và ăn ở của học sinh.

Bất cập sau sáp nhập các trường học tại vùng cao Sơn La ảnh 3Cơ sở vật chất phục vụ ăn bán trú cho học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở Mường Và (huyện Sốp Cộp) còn nhiều thiếu thốn. Ảnh Hữu Quyết - TTXVN

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, một vấn đề khác nhiều phụ huynh quan tâm, đặc biệt là ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn là trước khi sáp nhập, các em được hưởng chính sách bán trú; sau khi sáp nhập không đảm bảo điều kiện hưởng chính sách này.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Nguyễn Văn Chiến thông tin, sau sáp nhập còn một số khó khăn như, hầu hết các trường Tiểu học và Trung học cơ sở vẫn ở 2 cơ sở, hoạt động khá độc lập do đặc thù chuyên môn khác nhau, giờ học không đồng nhất, không đủ cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt chung của giáo viên, học sinh. Nhiều học sinh ở các điểm trường lẻ đi lại xa, học sinh học 2 buổi/ngày phải mang cơm đến lớp và nghỉ trưa tại lớp, không có người quản lý, thời tiết không thuận lợi nên không đảm bảo chuyên cần, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

* Đề nghị chia tách các trường học

Theo thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo, sau sáp nhập, tỉnh Sơn La có 101 trường học không đảm bảo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Nếu thực hiện lại quy trình xây dựng trường chuẩn sẽ mất nhiều thời gian, công sức của các nhà trường. Đặc biệt, quy mô trường học quá lớn sau sáp nhập không đáp ứng các tiêu chí về trường chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.

Bà Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Cang đề nghị, trước đây, đơn vị là trường chuẩn quốc gia nhưng nay để đạt chuẩn rất khó khăn vì số học sinh, số lớp quá lớn. Nhà trường mong muốn cơ quan có thẩm quyền cho chủ trương tách trường để tạo điều kiện cho nhà trường, phụ huynh, học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.

Bất cập sau sáp nhập các trường học tại vùng cao Sơn La ảnh 4 Phòng ở bán trú cho học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở Mường Và (huyện Sốp Cộp) chật hẹp, hiện đã xuống cấp. Ảnh Hữu Quyết - TTXVN

Theo bà Lò Thị Hạnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp, chủ trương sáp nhập là đúng nhưng chỉ phù hợp với một số xã nhỏ, số học sinh nhỏ có thể thực hiện được. Địa bàn vùng cao, biên giới sau thời gian thực hiện đã có những khó khăn. Ngoài việc không còn đạt chuẩn quốc gia, theo quy định mới, tỉ lệ học sinh trên lớp là 45 em nhưng quy mô trường lớp xây dựng từ lâu (mức độ từ 25-30 học sinh) nên rất chật chội. Nếu chia, tách lớp sẽ không đủ nhân lực.

Bà Lò Thị Hạnh mong muốn, các cấp, ngành quan tâm cho chủ trương để chia tách trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Trường học đạt chuẩn quốc gia đồng nghĩa chất lượng giảng dạy được nâng lên, phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em học tập.

Từ những bất cập, hạn chế, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La kiến nghị, đề xuất thực hiện thí điểm chia tách 29 trường học. Cụ thể, thí điểm 8 trường Tiểu học, có trên 35 lớp và trên 5 điểm trường; tách 3 trường liên cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở có trên 45 lớp và số học sinh đông; tách 18 trường Tiểu học và Trung học cơ sở có khoảng cách đi lại giữa điểm trung tâm cấp Tiểu học với điểm trung tâm cấp Trung học Cơ sở từ 1km trở lên.

Bất cập sau sáp nhập các trường học tại vùng cao Sơn La ảnh 5Phòng học tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Mường Và (huyện Sốp Cộp) không đáp ứng nhu cầu giảng dạy vì diện tích nhỏ. Ảnh Hữu Quyết - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, các trường học không còn đạt chuẩn sau sáp nhập được chia thành hai loại. Thứ nhất là những trường trước đây đều đạt chuẩn nhưng khi sáp nhập quy mô số lớp vượt quy định. Thứ hai một trường đạt chuẩn, một trường chưa đạt chuẩn nên sau khi sáp nhập thành trường mới sẽ không đạt chuẩn. Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tách các trường thuộc trường hợp thứ nhất với quy mô đúng điều lệ trường phổ thông, mầm non để được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đối với trường hợp thứ 2, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ đầu tư cơ sở vật chất để các trường đạt chuẩn quốc gia.

Quan điểm của Sở là ủng hộ việc chia tách các trường có quy mô quá lớn, đáp ứng chất lượng giáo dục, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm