Bảo vệ “ngôi vương” cho cây ăn trái “tỷ đô” (Bài 2)

Bảo vệ “ngôi vương” cho cây ăn trái “tỷ đô” (Bài 2)

Để sản xuất sầu riêng hiệu quả, bền vững thì phải đảm bảo hài hòa về lợi ích của các nhân tố tham gia trong chuỗi giá trị (người sản xuất, người chế biến, người phân phối tiêu thụ và người tiêu dùng). Bài toán về phát triển sầu riêng bền vững cần được giải ở nhiều khía cạnh như mã số vùng trồng, thị trường, tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, nhận thức và trách nhiệm của các bên, xây dựng thương hiệu, đa dạng sản phẩm từ sầu riêng...

Bài 2: Phát triển bền vững cây sầu riêng

Xây dựng mã số vùng trồng

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 22.500 ha trồng sầu riêng, sản lượng sầu riêng năm 2023 của tỉnh đạt khoảng 214.000 tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã được phê duyệt 49 mã số vùng trồng với tổng diện tích 2.186 ha và 17 mã cơ sở đóng gói; có 133 vùng trồng sầu riêng và 9 cơ sở đóng gói đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Từ đầu vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quản lý sử dụng mã số vùng trồng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói thiếu sự duy trì chất lượng. Tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, vi phạm về kiểm dịch thực vật của vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến nước nhập khẩu phải cảnh báo.

Bảo vệ “ngôi vương” cho cây ăn trái “tỷ đô” (Bài 2)  ảnh 1Nông dân huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, vấn đề tuân thủ mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói là yêu cầu quan trọng, cấp thiết, cần triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trái cây xuất khẩu và các hộ sản xuất trong vùng trồng đã được cấp mã số; không chạy theo số lượng mà cần chú trọng chất lượng các vùng trồng đã được cấp, đăng tải thông tin vùng trồng đã được cấp mã số lên website của địa phương.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Đắk Lắk duy trì các vùng trồng đã được cấp mã số, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói. Mặt khác, ngành chú trọng hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỉnh rà soát lại các vùng trồng đã được cấp mã số, kiên quyết xử lý những hành vi gian lận thương mại và sử dụng vùng trồng sai mục đích.

Theo ông Tạ Văn Châm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yông (huyện Krông Pắc), các cơ quan chức năngchưa có quy định cụ thể về việc sử dụng mã số vùng trồng, chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm. Khi có hành vi gian lận và tranh chấp mã số vùng trồng, xã không có căn cứ, chế tài để xử phạt. Do đó, cần sớm ban hành văn bản quy định cụ thể thẩm quyền xử lý của các cấp gắn với trách nhiệm và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong gian lận mã số vùng trồng.

Trung Quốc hiện là thị trường chủ đạo, thị trường lớn nhất của sầu riêng Việt Nam khi có tới 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu sang đất nước này. Các quy định về nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc hiện nay cũng là quy định chung của nhiều thị trường theo thông lệ quốc tế. Đó là yêu cầu về vùng trồng phải đăng ký, quản lý được sinh vật gây hại, sản xuất theo quy trình đầy đủ có sự giám sát của cơ quan quản lý, đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Về cơ sở đóng gói phải đảm bảo quy tắc một chiều, đảm bảo phân khu đầy đủ; yêu cầu hồ sơ ghi chép đầy đủ về quản lý sinh vật gây hại, hồ sơ truy xuất…

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tập trung các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật và bộ tài liệu ngành hàng để có tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu đến kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Những đơn vị, cơ sở vùng trồng phát hiện có trường hợp mạo danh mã số vùng trồng, cần báo cáo ngay với chi cục bảo vệ thực vật địa phương để có giải pháp xử lý kịp thời.

Cộng đồng trách nhiệm

Để phát triển sầu riêng bền vững, các sở, ngành, địa phương tại tỉnh Đắk Lắk đã và đang chú trọng xây dựng thương hiệu sầu riêng. Sau thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắc”, tháng 8/2023, tỉnh có thêm nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’Gar”. Đây là tiền đề tốt vì mỗi địa phương làm tốt thương hiệu sầu riêng sẽ góp phần xây dựng và nâng cao thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Bảo vệ “ngôi vương” cho cây ăn trái “tỷ đô” (Bài 2)  ảnh 2Lao động từ các tỉnh miền Tây tham gia thu hoạch sầu riêng tại Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar Vũ Hồng Nhật cho biết, để nhãn hiệu sầu riêng Cư M’Gar đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, huyện đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá thương hiệu, khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng, phát triển nhãn hiệu. Đồng thời, huyện thúc đẩy kết nối bốn nhà: doanh nghiệp, khoa học, nông dân và chính quyền cùng xây dựng, khai thác giá trị thương hiệu sầu riêng Cư M’Gar, tạo nên sản phẩm sầu riêng đạt chất lượng, rõ ràng về nguồn gốc, phục vụ thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Cùng với câu chuyện xây dựng thương hiệu, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk cùng doanh nghiệp, hợp tác xã đã tích cực quảng bá, liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sầu riêng. Công tác chế biến sầu riêng sau thu hoạch, đa dạng sản phẩm từ sầu riêng cũng được chú trọng và bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Bà Phan Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến nông sản Phước An cho biết, đơn vị đang phát triển theo hướng bóc múi sầu riêng, cấp đông và xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Đây là hướng đi mới song ổn định, ít rủi ro và có thể bảo quản sầu riêng được lâu so với xuất khẩu sầu riêng quả tươi. Mùa vụ sầu riêng năm 2023, đơn vị đã xuất khẩu 3 chuyến sầu riêng bóc múi cấp đông (87 tấn) đi thị trường Thái Lan.

Ông Trương Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản sấy số 1 cho biết, tháng 5/2023, đơn vị được thành lập, xây dựng nhà máy sấy thăng hoa nông sản và chú trọng vào mặt hàng sầu riêng. Theo ông Trương Tuấn Anh, công nghệ sấy thăng hoa có các ưu điểm: giữ nguyên hương vị, màu sắc, hình khối và nhiều dưỡng chất của nông sản. Đơn vị đã kết hợp tạo ra các sản phẩm sữa chua sầu riêng sấy, sầu riêng nhân mắc ca sấy, sầu riêng nhân hạt điều sấy… Việc đi theo hướng sấy thăng hoa sầu riêng giúp đơn vị gia tăng thời hạn bảo quản nông sản, ít cạnh tranh, nhiều lợi thế về vận chuyển và dễ lưu thông hàng hóa.

Để phát triển bền vững, đã đến lúc các tác nhân trong ngành hàng sầu riêng cần thay đổi tư duy mùa vụ, mua - bán sang tư duy hợp tác lâu dài.

Theo ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Vạn Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành tiêu chuẩn cụ thể về ngành hàng sầu riêng. Từ cơ sở đó, doanh nghiệp xây dựng chính sách liên kết cụ thể. Tiêu chuẩn về ngành hàng sầu riêng cần lấy quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) với hơn 70 tiêu chí an toàn là cơ sở tối thiểu để áp dụng vào sản xuất. Cũng theo ông Trung, trong chuỗi liên kết sầu riêng, tất cả các khâu cần hiểu vai trò, trách nhiệm của mình, xác định ngành hàng là ngôi nhà, là bát cơm, là nghề để làm ăn, không nên làm đại khái, thiếu trách nhiệm.

Bảo vệ “ngôi vương” cho cây ăn trái “tỷ đô” (Bài 2)  ảnh 3Người cắt sầu riêng có thu nhập khoảng 1.000.000 đến 1.500.000 triệu đồng/ngày. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” diễn ra vào tháng 9/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, phát triển bền vững không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia ngành hàng sầu riêng bền vững, từ nhận thức của người nông dân, người thương lái tới nhà vựa, doanh nghiệp. Chiến lược hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân là chiến lược dài hạn, tạo niềm tin đến tận vùng trồng. Do đó, các hiệp hội, ngành hàng phải phát huy hết vai trò trong việc thông tin về thị trường, giá cả, đưa ra những cảnh báo và người nông dân là người chịu trách nhiệm cuối cùng trên mảnh đất của mình.

Định hướng của tỉnh Đắk Lắk là ổn định diện tích sầu riêng trên 22.000 ha, sản lượng trên 225.000 tấn; mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; rải vụ thu hoạch và xây dựng Đề án mã số vùng trồng. Những giải pháp mà tỉnh triển khai ngay trong vụ mùa sầu riêng năm 2023 cho thấy khát khao xây dựng ngành hàng chất lượng, minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả, bền vững, để sầu riêng mãi là niềm vui chung.

Hoài Thu - Anh Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm