Bảo vệ động vật hoang dã (Bài 1)

Bảo vệ động vật hoang dã (Bài 1)
Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng về hệ sinh thái, loài và nguồn gen, đặc biệt là các loài động vật hoang dã quý, hiếm và đặc hữu. Tuy vậy, nguồn tài nguyên quý giá này hiện đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân trong đó nạn khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép đang là một vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của toàn cầu, là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng quần thể các loài động vật hoang dã, đẩy nhiều loài nguy cấp của Việt Nam đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết nhằm làm rõ hơn về các nỗ lực trong vấn đề bảo vệ động vật hoang dã.
Bài 1 : Hệ lụy từ buôn bán trái phép động vật hoang dã

Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trong những nước có tính đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Tuy vậy, Việt Nam cũng là “điểm nóng” về đa dạng sinh học, nghĩa là quần thể các loài động vật hoang dã quý hiếm đang bị suy giảm nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng - mà thủ phạm là nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Tại Hội nghị quốc tế về “Chống buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã” tổ chức tại London, Vương quốc Anh vào tháng 10/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phát đi thông điệp về tính cấp bách cần đối phó với tội phạm buôn bán động vật hoang dã có tổ chức, về sự cần thiết của việc hợp tác giữa khu vực tư, công, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu nhằm áp dụng công nghệ và sáng kiến trong thực thi pháp luật và quan trọng hơn là nhằm đóng cửa các thị trường buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.

Nhiều loài động vật hoang dã trong tình trạng nguy cấp

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, tại Việt Nam, tê giác đã tuyệt chủng; hổ chỉ còn không quá 5 cá thể; voi còn dưới 100 cá thể trong tự nhiên; 16/25 loài linh trưởng đang trong tình trạng nguy cấp. Hàng trăm cá thể gấu đang bị nuôi nhốt lấy mật và còn rất nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm khác cũng đang bị đe dọa bởi nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Động vật hoang dã, các bộ phận và các sản phẩm động vật hoang dã bị buôn bán để chế biến làm món ăn trong các nhà hàng, làm thuốc Đông y, làm thú cảnh hoặc để chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí.

Báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, trước những năm 80 của thế kỷ 20, số lượng rùa biển tại Việt Nam rất lớn, nhất là loài vích có đến hàng chục nghìn con lên đẻ mỗi năm. Tuy nhiên, hiện số lượng rùa đã suy giảm rất nhiều, còn số lượng vích lên đẻ hàng năm tại Côn Đảo dao động từ 200 - 300 con, tại Quảng Ninh, Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận... chỉ từ 10 - 20 con/địa phương. Các loài khác như đồi mồi, đồi mồi dứa và rùa da số lượng còn ít hơn với ước tính có dưới 10 cá thể mỗi loài sinh sản hàng năm trên toàn vùng biển Việt Nam.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết: Trong số 5 loài rùa biển, đồi mồi là loài đang bị suy giảm số lượng nghiêm trọng. Mặc dù có vai trò quan trọng với hệ sinh thái vì chúng ăn bọt biển, giữ cho rạn san hô khỏe mạnh, số lượng cá thể đồi mồi đã giảm tới 80% chỉ trong thế kỷ trước, chủ yếu do bị săn bắt lấy mai nhằm chế tác đồ thủ công mỹ nghệ như trang sức, lược, gọng kính... Theo thông tin từ các tổ chức bảo tồn, hiện chỉ còn 15.000 cá thể đồi mồi cái trưởng thành trên toàn thế giới. Loài vích cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự khi chỉ có khoảng 1/1000 cơ hội sống sót đến tuổi trưởng thành.

Thực tế, lượng bẫy bắt trái phép động vật hoang dã còn phổ biến ở hầu hết các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Các loài động vật hoang dã di chuyển chậm như loài rùa ở Việt Nam, đang bị khai thác quá mức, mà một trong những nguyên nhân chính do săn bắt khi người dân vào rừng khai thác các lâm sản ngoài gỗ.

Các giám sát bằng bẫy ảnh và điều tra ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn 5 năm gần đây cho thấy, quần thể động vật hoang dã suy giảm rất lớn. Nhiều loài động vật hoang dã như hổ, sao la, báo gấm, cầy mực, tê tê vàng không còn ghi nhận được từ điều tra thực địa và có thể mất đi mãi mãi.

Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên thông tin “Sừng tê giác hay các sản phẩm động vật hoang dã khác được "đồn thổi" có tác dụng chữa bách bệnh nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho những niềm tin mù quáng đó. Việt Nam hiện tại không còn tê giác nhưng vẫn bị coi là một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới. Nhu cầu sử dụng sừng tê giác đã dẫn đến sự tuyệt chủng của loài tê giác ở Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tay cho nạn thảm sát tê giác ở châu Phi với mức độ báo động. 56% số vụ bắt giữ người châu Á có liên quan tới các tội phạm về tê giác ở Nam Phi là người Việt Nam”.

Hình thức phổ biến khác của nạn buôn bán động vật hoang dã là buôn bán thú cảnh. Các loài động vật hoang dã thuộc về tự nhiên; việc buôn bán và nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp là trái với pháp luật và thúc đẩy nạn buôn bán động vật hoang dã tiếp diễn.

Những năm gần đây, các đối tượng phạm tội đã thực hiện những hành vi buôn bán động vật hoang dã trái phép trên mạng internet, khiến cho việc giao dịch các loài động vật hoang dã, các sản phẩm từ động vật hoang dã ngày càng trở nên rộng rãi.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp Adam Davies chia sẻ, các loài linh trưởng như vượn và voọc thường bị săn bắt làm thuốc Đông y, cũng bị buôn bán như thú cảnh, hoặc bị săn bắt lấy da, làm thú nhồi bông, làm đồ lưu niệm. Số lượng các cái loài động vật hoang dã bị buôn bán hoặc săn bắn lên tới hàng nghìn cá thể thì không có quần thể nào có thể tái sinh kịp so với tốc độ săn bắn và buôn bán lớn như vậy. Nếu không có những biện pháp tích cực trong công tác bảo tồn, một số loài khác sẽ có nguy cơ tuyệt chủng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nhấn mạnh.

Tình trạng vi phạm gia tăng

Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, giai đoạn 5 năm (1/2013 - 12/2017), Việt Nam có 1.504 vi phạm; 41.328 kg cá thể và sản phẩm, 1.461 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; 432 bị cáo bị xét xử trong các vi phạm hình sự về động vật hoang dã, 16 tỷ đồng tiền phạt đối với các vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

Ghi nhận từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã phối hợp xử lý thành công 110/209 vụ vi phạm về động vật hoang dã được người dân thông báo qua đường dây nóng. Riêng tháng 4/2019, Trung tâm đã xử lý thành công 58 vụ vi phạm, trong đó gỡ bỏ đường link 30 vụ vi phạm từ mạng internet và 4 vụ từ mạng xã hội facebook. 4 tháng đầu năm 2019 đã có 35 cá thể động vật hoang dã bị tịch thu trong các vụ bắt giữ, xử lý vi phạm và 15 cá thể được người dân tự nguyện chuyển giao.

Điển hình những vụ vi phạm lớn như: Ngày 5/10/2018,  khoảng 10 tấn ngà voi, vẩy tê tê nhập khẩu từ Nigeria về cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ngày 2/11/2018, khoảng 800 kg vẩy tê tê giấu trong 3 container gỗ từ châu Phi về cảng Hải Phòng... Các vụ vi phạm đã bị lực lượng chức năng Việt Nam thu giữ và điều tra. Gần đây nhất, tháng 4/2019, hai cá thể hổ con đông lạnh bị tịch thu ở Bắc Ninh…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sự phát triển mạnh mẽ của người dùng internet hiện nay đã biến internet thành “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ phạm tội thực hiện các hành vi vi phạm về động vật hoang dã. Với tốc độ lan truyền chóng mặt, thông tin quảng cáo các cá thể động vật hoang dã trên internet có khả năng tiếp cận với những người có nhu cầu một cách dễ dàng, nhanh chóng. Cùng với đó, do bản chất là một môi trường ảo, thông tin đăng tải có thể thay đổi và gỡ bỏ rất nhanh nên việc xác định lai lịch đối tượng và thu thập chứng cứ còn gặp rất nhiều khó khăn, khiến tình hình tội phạm về động vật hoang dã trên internet ngày càng phức tạp. Năm 2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ghi nhận gần 800 vụ vi phạm về động vật hoang dã trên internet với khoảng hơn 1.200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm.
Minh Nguyệt
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm